Báo Công An Đà Nẵng

F0 điều trị tại nhà cần chuẩn bị gì?

Thứ ba, 15/03/2022 16:26

Ngày 14-3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 604/QD-BYT kèm hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19. So với hướng dẫn trước, hướng dẫn mới này chỉ rõ những loại vật dụng và các loại thuốc cần thiết cho F0 điều trị tại nhà.

Theo đó, các vật dụng cần thiết với F0 điều trị tại nhà bao gồm: Nhiệt kế; máy đo SpO2 cá nhân (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; vật dụng cá nhân cần thiết; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy. Về phương tiện liên lạc: Điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện...). Thuốc điều trị tại nhà gia đình cần chuẩn bị khi có F0 gồm: Thuốc hạ sốt: paracetamol cho người lớn: viên 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày. Paracetamol cho trẻ em (tùy theo cân nặng và độ tuổi): gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, 325mg, 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày. Dung dịch cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác. Thuốc giảm ho (tùy theo triệu chứng): Thuốc từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin..., số lượng đủ dùng trong khoảng 5-7 ngày. Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo, thận trọng khi sử dụng thuốc. Dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày. Bên cạnh đó, còn có thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh (nếu cần, đủ sử dụng trong 1- 2 tuần).

Ngoài ra, để thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm, Bộ Y tế yêu cầu F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau: F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác. Người chăm sóc hoặc người ở nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0. Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế để các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này. Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn. Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, F0 hoặc người chăm sóc phải khai báo với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý F0 tại nhà. Trạm Y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý F0 tại nhà thu thập thông tin và lập danh sách quản lý tại nhà theo mẫu quy định.

"Cựu F0" phải làm gì để không bị tái nhiễm COVID-19?

Theo các chuyên gia, F0 khỏi bệnh sẽ có kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền. Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh lại chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc một F0 khác mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm. Do đó, điều quan trọng để hạn chế tái nhiễm là mọi người cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, cho dù đã là F0 khỏi bệnh, vẫn phải tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng khả năng bảo vệ, tránh tái nhiễm.

THÀNH DANH