Báo Công An Đà Nẵng

F0 tăng cao, Đà Nẵng ứng phó thế nào?

Thứ hai, 17/01/2022 10:07

Những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, F0 đang tiếp đà tăng cao. Nhằm không để dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát, các đơn vị, địa phương đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

Tiểu thương tại các chợ sẽ được xét nghiệm định kỳ để kịp thời phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Chiều 16-1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP cho biết, trong ngày Đà Nẵng ghi nhận 888 ca mắc COVID-19, gồm 12 ca cách ly tập trung, 362 ca cách ly tạm thời tại nhà, 36 ca trong khu phong tỏa và 478 ca cộng đồng.

Trong số các ca cộng đồng có 285 ca tự đến các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế khám bệnh, xét nghiệm; 163 ca tự test nhanh dương tính được trạm y tế các phường, xã lấy mẫu; 25 ca xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; 1 ca là lực lượng phòng chống dịch xét nghiệm định kỳ; 2 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Cồn và 1 ca xét nghiệm định kỳ lực lượng Công an.

782/888 ca mắc COVID-19 trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung ở một số địa phương như Sơn Trà (171 ca), Thanh Khê (167 ca), Liên Chiểu (121 ca), Cẩm Lệ (114 ca), Hải Châu (100 ca), Hòa Vang (72 ca) và Ngũ Hành Sơn (37 ca).

Trong ngày, lực lượng chuyên môn xét nghiệm 12.221 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 10.112 lượt, test nhanh 2.109 lượt người.Tính đến nay, TP đã tiêm 2.116.214 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 977.289 người, mũi 2 cho 960.602 người và mũi 3 cho 112.914 người.Hiện TP có 148 khu vực phong tỏa với 537 hộ (1.394 nhân khẩu), duy trì 7 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 186 người.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho hay, các ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn TP phân bố rộng, xuất hiện tại các khu dân cư, khu công nghiệp, bệnh viện, trạm y tế. Bên cạnh đó, công tác thu dung điều trị đã đến ngưỡng quá tải. Theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện Đà Nẵng chỉ có 25 ca nặng, chiếm 0,6%; 99% bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Mặc dù số ca F0 điều trị tại nhà đã tăng, tuy nhiên chỉ mới đạt 50% so với số ca mắc. “Công tác điều trị F0 tại nhà vẫn chưa thực hiện mạnh. Do đó, các địa phương cần chủ động trong việc tăng số bệnh nhân điều trị tại nhà, giảm áp lực cho các cơ sở y tế”, bà Thủy đánh giá.

Trước tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, lãnh đạo CDC Đà Nẵng cho hay, hiện nay lực lượng y tế không đủ nguồn lực để truy vết kịp. Nhiều người tự đến các cơ sở y tế xét nghiệm, phát hiện mắc COVID-19 và đa số ca bệnh này đều qua 2 chu kỳ lây nhiễm. CDC đang tập trung, ưu tiên bảo vệ và truy vết F1 ở các hộ gia đình, bệnh viện, cũng như khu công nghiệp, chợ…

Là một trong những địa phương “nóng” về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, Q. Sơn Trà cũng đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Ông Huỳnh Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho biết, trong bối cảnh F0 tăng nhanh, quận cố gắng tổ chức cho F0 điều trị tại nhà. Hiện nay, toàn quận có hơn 240 F0 đang điều trị tại nhà. “Cùng với đó, tại những nơi phát hiện F0 mới, quận chỉ đạo các phường cũng như các đơn vị liên quan tiến hành xét nghiệm nhanh để kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Riêng với các chợ, quận chỉ đạo Ban Quản lý yêu cầu các tiểu thương mua bán tại chợ bắt buộc phải đeo kính chống giọt bắn”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Công – Phó Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê, hiện quận có 8 phường ở cấp độ 4, toàn quận đang ở cấp độ 3. Bên cạnh công tác xét nghiệm, phát hiện sớm F0 ở các ổ dịch, quận cũng tổ chức cho hơn 220 F0 điều trị tại nhà; kích hoạt các trạm y tế lưu động ở tất cả các phường; nỗ lực tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Để chặn đà lây lan của dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung các giải pháp bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao; thực hiện xuyên suốt, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn, quyết định của UBND TP, trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao vai trò, nhận thức của người dân trong việc góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh; cương quyết xử lý các trường hợp không thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.

Phi Nông

 

Tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho người suy giảm miễn dịch vừa và nặng

Từ ngày 17 và 18-1, ngành Y tế TP Đà Nẵng sẽ triển khai tiêm liều bổ sung vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…) đã hoàn thành mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến dưới 3 tháng. Liều cơ bản đối với vaccine AstraZeneca, Pfizer, Vero Cell, Moderna, Sputnik V là 2 liều; đối với vaccine Abdala là 3 liều.

Ngành Y tế TP lưu ý, người dân khi đến tiêm chủng cần mang theo giấy tờ: Hồ sơ minh chứng tình trạng sức khỏe để chứng minh thuộc các đối tượng cần tiêm liều bổ sung; giấy xác nhận/App minh chứng tiêm chủng đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19; mã định danh công dân/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân. Ngoài ra, người dân cần đảm bảo giữ trật tự và đảm bảo khoảng cách trong suốt quá trình tham gia tiêm chủng để phòng, chống dịch COVID-19. Địa điểm tiêm tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đơn vị phụ trách tiêm là Bệnh viện Phụ sản Nhi. Lực lượng y tế sẽ tổ chức tiêm theo hình thức cuốn chiếu. Cụ thể, ngày 17-1, buổi sáng lần lượt tiêm cho người dân trên địa bàn quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn, chiều quận Thanh Khê và Hải Châu; ngày 18-1, buổi sáng lần lượt tiêm cho người dân trên địa bàn quận Cẩm Lệ và Sơn Trà, chiều H. Hòa Vang và tiêm vét trở lại.

T.D