Báo Công An Đà Nẵng

G20 “chật vật” với biến đổi khí hậu, thương mại

Thứ hai, 10/07/2017 12:57

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Đức là “một thành công tuyệt vời”, bất chấp vị thế cô lập của Washington về vấn đề biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giành được sự nhượng bộ quan trọng về biến đổi khí hậu và thương mại từ các lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, một hội nghị gây tranh cãi nhất trong lịch sử, để đổi lấy việc duy trì sự thống nhất mong manh của câu lạc bộ các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới.

 “Có vấn đề” với Hiệp định Paris

Sau 2 ngày diễn ra các cuộc đàm phán khó khăn tại Hamburg, tuyên bố chung của hội nghị cho biết, các nước G20 đã “lưu ý” về quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris được ký vào năm 2015 về việc cắt giảm các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Đồng thời, tuyên bố này cũng mở cửa cho các nước tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn bị cho là nguyên nhân gây ấm lên toàn cầu.Tuyên bố chung cũng khiến Washington trở nên lạc lõng khi 19 nước, trừ Mỹ, khẳng định “Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược”. Theo AFP, trong tuyên bố chung, các nước G20 thừa nhận, quyết định của Tổng thống Trump - đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris và nhấn mạnh Washington muốn tiếp tục sử dụng và bán nhiên liệu hóa thạch  - là nguyên nhân chính gây khó khăn cho cuộc chiến chống lại sự ấm nóng lên trên toàn cầu.

Việc này cũng đang có nguy cơ tạo ra hiện tượng domino. Trong đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo, Ankara hiện đang thiên về việc không phê chuẩn hiệp định mang tính bước ngoặt này. “Sau bước đi của Mỹ, chúng ta cũng nên đi theo hướng không đưa nó vào nghị viện”, ông Erdogan nói. Ông cũng gợi ý, một số nước G20 khác chưa xác định được liệu “có vấn đề” với thỏa thuận này hay không.

Các nhà lãnh đạo thảo luận trên bàn Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters

Chủ nghĩa bảo hộ

Về vấn đề thương mại, phần còn lại của G20 cũng bị buộc phải thỏa hiệp với ông Trump cùng cam kết của ông về “Nước Mỹ trước tiên” khi phải quan tâm tới đến các Cty Mỹ.

Dù làm mới lại cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, G20 lần đầu tiên nhấn mạnh quyền của các quốc gia trong việc bảo vệ thị trường bằng “các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp”. “Chúng tôi sẽ luôn mở cửa thị trường, quan tâm vị thế quan trọng của thương mại và các khung đầu tư giúp đôi bên cùng có lợi. G20 sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm tất cả hoạt động thương mại không công bằng, và ghi nhận quy định về các công cụ bảo vệ thương mại hợp pháp”, tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ.

Bất hòa, gây tranh cãi

Quan điểm chủ nghĩa quốc gia với câu khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” đã khiến ông Trump va chạm với nhiều đồng minh trong khối G20, khi họ cảnh báo ông chủ Nhà Trắng đi theo đường lối cô lập và bắt đầu một cuộc chiến thương mại.

Những cảnh báo của Tổng thống Erdogan, không khí biểu tình quá khích cùng với sự “ngang bướng” của ông Trump khiến bên trong phòng họp G20 thêm hỗn loạn. Hội nghị thượng đỉnh lần này thật sự bị phá vỡ bởi những cuộc cãi vã kịch liệt và xung đột về những quan điểm về biến đổi khí hậu và thương mại. Giới chuyên gia mô tả tuyên bố chung là một “trò giả dối”. “Khi so sánh với sự năng động của G20 kể từ Hội nghị Thượng đỉnh London vào năm 2009, đây là bước thụt lùi”, một chuyên gia nhận định.

Và trong đó còn có hình ảnh gây tranh cãi này là việc con gái ông Trump, cô Ivanka Trump thay thế cha dự một phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh G20 cùng các nhà lãnh đạo thế giới.

* An ninh được thắt chặt cho hội nghị G20 lần này khi các cuộc biểu tình biến thành bạo lực. 20.000 cảnh sát cùng xe bọc thép, trực thăng và máy bay giám sát không người lái đã được huy động để đảm bảo an ninh cho sự kiện này. Cảnh sát Đức đụng độ với những nhà hoạt động đeo mặt nạ chống chủ nghĩa tư bản, những người đã ném đá và chai lọ. Theo AFP, ít nhất 500 cảnh sát đã bị thương.

Biểu tình phản đối hội nghị G20 biến thành bạo động ở Đức. Ảnh: AFP 

KHẢ ANH