Báo Công An Đà Nẵng

G20 chìm trong bầu không khí “Chiến tranh Lạnh”

Thứ sáu, 06/09/2013 14:51

(Cadn.com.vn) - Không khí cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) hôm 5-9 tại Nga phủ một màu ảm đạm vì những tranh cãi quanh vấn đề Syria.

Cuộc xung đột Syria không nằm trong nội dung chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh G20, song các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng này vẫn đe dọa làm lu mờ hoàn toàn những nỗ lực của các nhà lãnh đạo để thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế quan trọng, kích thích tăng trưởng, bảo hộ mậu dịch và an ninh năng lượng.

Không khí ngày khai mạc G20 nóng lên vì những căng thẳng giữa hai ông lớn, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama khi ông chủ Nhà Trắng đang cố gắng biến hội nghị thành cầu nối kêu gọi các nước ủng hộ một hành động tấn công quân sự chống lại Syria vì việc sử dụng vũ khí hóa học (VKHH).

Nga – Mỹ vẫn bất đồng về Syria tại G20. Ảnh: CNN

ÔNG OBAMA TRANH THỦ G20 KÊU GỌI TẤN CÔNG SYRIA

Tổng thống Obama xóa được rào cản đầu tiên ở trong nước khi chắc chắn giành được sự ủng hộ của Quốc hội cho cuộc tấn công trừng phạt Syria.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn đang gặp khó khăn trên con đường tìm kiếm hỗ trợ quốc tế rộng lớn hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhiều lần khẳng định không tham chiến với Mỹ trong khi Anh cũng đã “đứng ngoài cuộc”. Tổng thống Putin - người vẫn quyết liệt bác bỏ các đề xuất tấn công quân sự - cảnh báo, Moscow sẽ không thể chấp nhận nếu phương Tây đơn phương chống lại Damascus mà không cần HĐBA LHQ thông qua. Điện Kremlin yêu cầu phải có những bằng chứng “thuyết phục” chứng minh chế độ Tổng thống Bashar al-Assad chịu trách nhiệm cho việc sử dụng VKHH chống lại người dân.

Ngoài việc thuyết phục Nga, ông Obama còn gặp trở ngại lớn khác, đó là Trung Quốc - quốc gia thành viên HĐBA LHQ có quyền phủ quyết. Bắc Kinh hiện bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” với một hành động tấn công quân sự đơn phương. Ở Saint Petersburg, Thứ trưởng Bộ Tài chính Zhu Guangyao nhấn mạnh, Trung Quốc tin rằng, chỉ có một giải pháp chính trị... là cách giải quyết vấn đề Syria đồng thời cảnh báo về tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nếu Mỹ đánh Syria.

MỸ ĐÁNH SYRIA - ĐIỀU “KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI”

Hiện LHQ vẫn chưa công bố báo cáo chính thức về quá trình kiểm tra sử dụng VKHH ở Syria. Nhưng theo tình báo Mỹ, hơn 1.400 người dân sống ở vùng ngoại ô nổi loạn của Damascus đã chết trong cuộc tấn công hôm 21-8 vì khí độc thần kinh sarin do chính quyền Assad tổ chức. Đó là lý do vì sao ông Obama tuyên bố, Washington không thể ngồi yên khi Damascus đã vượt “giới hạn đỏ”.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, một cuộc tấn công Syria là điều không thể tránh khỏi. Trả lời phỏng vấn hãng tin Itar-Tass, tướng Leonid Reshetnikov của Nga cho rằng, Mỹ chắc chắn sẽ tấn công Syria cho dù hơn một nửa dân số chống lại ý tưởng này và gần như tất cả các đồng minh thân cận cũng từ chối tham chiến.

Nhưng ông Obama đang phải đối mặt với một tình thế nghịch lý khi Lầu Năm Góc một mặt ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria song mặt khác, cuộc tấn công nhằm vào Assad lại không được quá khốc liệt. Vì thế, các sân bay ở Syria – vốn mang tầm quan trọng chiến lược đối với ông Assad – là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Ngoài ra, các căn cứ không quân - được xem là một trong số lực lượng thiện chiến nhất trong khu vực, được Nga trang bị mạnh trong những năm qua bất chấp tình trạng nội chiến kéo dài ở Syria – sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Theo giới phân tích quân sự, nếu ông Obama chỉ muốn tấn công tượng trưng nhằm vào chính quyền Syria, thì ông có thể cho đánh bom các trung tâm chỉ huy như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Cơ quan tình báo không quân và quân đội, tất cả đều nằm ở Damascus. Các cuộc tấn công dữ dội có thể nhằm vào Sư đoàn 4 quân đội Syria của Maher al-Assad, được cho là người anh em của ông Assad. Lữ đoàn thuộc sư đoàn này có thể chịu trách nhiệm thực hiện vụ tấn công VKHH mới đây nhất ở Syria. Đa phần các căn cứ của Sư đoàn 4 đều nằm ở Damascus. Và mục tiêu cuối cùng có thể là các trung tâm nghiên cứu VKHH ở Hama, Homs, Latakia, Palmyra và cả Damascus.

LHQ vẫn đang trong nỗ lực tuyệt vọng cho một hội nghị hòa bình về Syria. “Đây là thời điểm để các bên ngừng chiến đấu và bắt đầu nói chuyện. Người dân Syria cần hòa bình”, ông Ban nói trong một bài thuyết giảng tại trường Đại học Saint Petersburg. Với áp lực cần phải có những tiến bộ cụ thể để giúp kết thúc cuộc xung đột ở Syria, LHQ thông báo rằng, phái viên đặc biệt về Syria Lakhdar Brahimi đang trên đường đến Nga để thúc đẩy hòa bình.

Nhưng nỗ lực của LHQ có thể chỉ như “muối bỏ biển”.

Khả Anh