Gạc Ma đau đáu trong tim mẹ
(Cadn.com.vn) - Tháng 3, khi những cơn gió đông đưa vị mặn của biển vào đất liền, những người mẹ lại dâng trào niềm khắc khoải, nỗi thương nhớ những đứa con đã anh dũng hy sinh vào ngày 14-3-1988, để bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của Tổ Quốc.
Sau khi gõ 1 hồi chuông cầu nguyện, mẹ Trần Thị Huệ (P.An Hải Tây, Q. Sơn Trà) lại mang những di vật của con trai-liệt sĩ Lê Thế, hy sinh ngày 14-3-1988 tại đảo Gạc Ma ra xem. Đây là giấy báo tử, thư chia buồn của Trung đoàn E83 và kia là lá thư cuối cùng của liệt sĩ Lê Thế gửi về cho mẹ. Mỗi kỷ vật đối với mẹ Huệ đều vô giá, để mẹ hoài niệm và đau đáu nhớ thương người con đã mãi nằm lại ở quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. "Tôi vẫn hay mơ thấy thằng Thế về. Mỗi lần như thế lại nghe giọng nó nói "con về thăm mẹ một lúc, lại phải đi bảo vệ đảo rồi". Nó thích đi bộ đội lắm. Trước lúc đi khám sức khỏe để đi bộ đội vì trên mắt có một khối u nhỏ, sợ người ta không nhận nên nó đến bệnh viện mổ. Trước khi được chuyển vào Cam Ranh để đi Trường Sa, nó về nhà và nói: "Đi bộ đội về con xây nhà cho má xong lúc đó mới nghĩ đến chuyện cưới vợ". Nó hứa thế mà..."-mẹ Huệ rưng rưng.
Mẹ Kế thắp nén hương để nhớ về người con trai Nguyễn Phú Đoàn. |
"Cam Ranh ngày 27-2. Má thân yêu, con đã đổi vào Cam Ranh và ở đây khoảng một tuần là sẽ đi đảo Trường Sa, vì vậy bọn con ai cũng háo hức. Con chỉ mong má giữ gìn sức khỏe, đó là điều con muốn nhất". Khi viết những dòng thư ấy gửi về mẹ, chắc hẳn anh Thế không bao giờ nghĩ đó là lá thư cuối cùng anh gửi về gia đình.
Trường Sa tháng 3-1988, biển trời lặng gió, nhưng dưới lòng biển như ẩn chứa cơn sóng ngầm. Lúc đó, ba chiếc tàu vận tải, HQ - 605, HQ - 604 và HQ - 505 chở vật liệu xây dựng và những người lính công binh như anh Thế ra các đảo Cô Lin - Len Đao và Gạc Ma để thực hiện công việc thường ngày. Nhớ lần trò chuyện với Đại úy Nguyễn Văn Lanh-người anh hùng trong trận chiến ở đảo Gạc Ma, anh kể về những phút giây quyết tử bảo vệ đảo. "Ngày nhận nhiệm vụ đi xây dựng ở đảo Gạc Ma, anh em đều xác định tư tưởng là dù có chuyện gì cũng không bao giờ lui bước. Anh em chúng tôi gọi ba chiếc tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 là những chiếc tàu bất tử, bởi lúc đó tình hình rất căng thẳng thế nhưng anh em chúng tôi vẫn quyết tâm ra xây dựng đảo. Khi lính Trung Quốc tiến vào chiếm đảo Gạc Ma thì chúng tôi chỉ có xà beng và xẻng để đánh trả. Lúc đó, chúng bắn anh Trần Văn Phương ngã xuống, rồi cố hạ cờ của ta, thấy thế tôi liền xông đến giành lại Quốc kỳ thì bị một tên lính Trung Quốc dùng lưỡi lê đâm lén sau lưng, rồi tôi trúng đạn. Khi thấy tôi ngã xuống, đồng đội lại tiếp tục xông đến giữ cờ"-anh Lanh kể. Không chỉ tấn công những người lính công binh, tàu chiến Trung Quốc cũng liên tục nã pháo khiến tàu HQ-604 chìm và chúng cưỡng đoạt đảo Gạc Ma. Sau đó chúng tiếp tục tấn công tàu HQ-505, nhưng lúc này thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã cho tàu lao lên được đảo Cô Lin nên chúng không thể chiếm được đảo này. Trong trận chiến ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ hải quân đã hy sinh, trong đó có 9 người con ở Đà Nẵng...
Mẹ Huệ bảo rằng, luôn tự hào về sự hy sinh anh dũng của con, liệt sĩ Lê Thế |
28 năm trôi qua nhưng mẹ Huệ vẫn đau đáu nỗi nhớ con đã hy sinh vì Gạc Ma. "Mất đi đứa con, người mẹ nào chẳng buồn nhưng thằng Thế và đồng đội nó hy sinh vì biển đảo Tổ quốc nên tôi rất tự hào. Bây giờ tôi chỉ có nỗi trăn trở là chưa làm được ngôi mộ gió cho thằng Thế. Chừ chỉ mong có một nắm cát ở Trường Sa để tôi xây mộ gió cho con"-mẹ Huệ tâm sự. Không riêng gì mẹ Huệ, thân nhân của những liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma cũng cùng chung niềm trăn trở khi hài cốt của các anh vẫn nằm lại trên con tàu HQ-604, máu thịt các anh đã hòa vào cát và sóng biển Trường Sa. Thắp nén nhang trên am thờ của con, liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, mẹ Huỳnh Thị Kế (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu) kể, đã làm một ngôi mộ gió ở Nghĩa trang phường Hòa Quý để thờ con. 84 tuổi, bây giờ mẹ sống một mình trong căn nhà nhỏ. Mẹ sinh được 2 người con thì anh Đoàn đã hy sinh, còn người con gái thì đi lấy chồng, thỉnh thoảng mới về thăm. Vì vậy mà với mẹ, nỗi nhớ về liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn thật khó nguôi ngoai. Dẫu vậy, mẹ Kế vẫn luôn bảo rằng: "Tôi luôn tự hào vì con tôi hy sinh vì Tổ quốc".
Mẹ Huệ, mẹ Kế và bao thế hệ người Việt Nam sẽ mãi tự hào và không quên lòng quả cảm của 64 chiến sĩ hải quân đã hy sinh quên mình vì chủ quyền biển đảo của đất nước. Các anh đã hóa thành tượng đài bất tử ở Trường Sa.
Đại úy Nguyễn Văn Lanh - người anh hùng trong trận chiến ở đảo Gạc Ma kể lại phút giây giữ cờ trong ngày 14-3-1988 với các bạn trẻ Đà Nẵng. |
Hoàng Anh
Ngày 12-3, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã trao tặng căn hộ chung cư cho vợ và con trai liệt sĩ Vũ Phi Trừ-thuyền trưởng tàu HQ- 604 đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988. Căn hộ chung cư nằm ở P. Hòa Thuận Đông (Q. Hải Châu), người nhận món quà này là con trai thứ 2 của liệt sĩ Vũ Phi Trừ, anh Vũ Xuân Khoa và mẹ là bà Nguyễn Thị Tần.
H. Anh * Cùng ngày, Trung đoàn Công binh 83 (đóng tại Đà Nẵng) cùng đại diện Báo CATPHCM và chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố đã đến trao 10 suất quà (mỗi suất trị giá 5 triệu đồng) do bạn đọc Báo CATPHCM đóng góp cho 9 gia đình, thân nhân liệt sĩ hy sinh trong trận "Hải chiến Trường sa" 1988 và một chiến sĩ còn sống sót trở về, hiện sinh sống trên địa bàn Đà Nẵng.
D.Hùng |