Báo Công An Đà Nẵng

Gam màu mới cho mỹ thuật Đà Nẵng

Thứ năm, 06/11/2014 09:09

(Cadn.com.vn) - Một thời gian dài hoạt động trong im lặng, thiếu vắng những cuộc triển lãm và thiếu cả sự đầu tư nên mỹ thuật Đà Nẵng dường như chìm khuất trong nhiều hoạt động văn hóa khác. Thế nên việc thành phố Đà Nẵng quyết định đầu tư xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật được kỳ vọng sẽ vẽ nên một gam màu tươi sáng cho mỹ thuật Đà Nẵng.

TRẦM LẮNG

Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ dùng từ “buồn” khi nói về hoạt động mỹ thuật Đà Nẵng trong thời gian qua. Quả thật, lâu nay hiếm lắm mới thấy có một cuộc triển lãm tranh ở Đà Nẵng, cả thành phố chỉ có vài điểm bán tranh, nhưng chủ yếu là hoạt động chép tranh để bán. “Đà Nẵng không thiếu họa sĩ tài năng nhưng lại thiếu sân chơi, thiếu sự quan tâm đầu tư cho mỹ thuật nên rất nhiều họa sĩ đã đến các địa phương khác sáng tác và… bán tranh. Trước đây có mấy họa sĩ ở tỉnh bạn đề xuất một cuộc triển lãm ở Đà Nẵng nhưng cuối cùng không thực hiện được”, họa sĩ Kỳ bộc bạch. Đã từng có thời gian, mỹ thuật Đà Nẵng được đánh giá rất cao, khi có nhiều họa sĩ nổi tiếng có tác phẩm triển lãm trong và ngoài nước.

Các em thiếu nhi thành phố Đà Nẵng tham gia một cuộc thi vẽ tranh.

Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh kể, từ năm 1997 đến 2005, Quảng Nam–Đà Nẵng có nhiều triển lãm tranh được tổ chức thường xuyên. Một số cá nhân trực tiếp đưa tranh của mình ra nước ngoài tham gia triển lãm như họa sĩ Từ Duy, Vũ Dương, Hoàng Ân, Phan Ngọc Minh… Thời đó 3/4 số lượng họa sĩ, điêu khắc làm nghề tự do và vẫn sống được bằng tác phẩm của mình. Vào năm 2002 đã có cuộc ra quân rầm rộ của mỹ thuật Đà Nẵng tại Hà Nội với triển lãm của hơn 40 tác giả và gần 100 tác phẩm trưng bày, rất nhiều tác phẩm đã được người xem mua tại triển lãm. “Lúc đó họa sĩ Lê Văn Thìn (Hà Nội) khi xem triển lãm, nhận xét “Tranh và tượng Đà Nẵng lần đầu tiên ra mắt công chúng thủ đô đã gây ấn tượng mạnh. Tranh Đà Nẵng mang cái nắng, cái gió đặc trưng của xứ sở, ngời lên từng mảng màu chói ngợp, quyết liệt, sóng gió…”.

Có thể nói đó là thời kỳ “hoàng kim” của mỹ thuật Đà Nẵng sau ngày giải phóng. Nhưng rồi sau đó mỹ thuật Đà Nẵng bắt đầu đi xuống, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc phải bươn chải kiếm sống bằng công việc khác. Số lượng tác giả và tác phẩm tham gia triển lãm khu vực hằng năm giảm dần, số lượng tác phẩm được giải thưởng cũng ít đi và không có giải thưởng cao”, họa sĩ Tường Vinh đánh giá.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ.

KỲ VỌNG MỚI

Năm 2010, tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc, mỹ thuật Đà Nẵng đã ghi dấu ấn đậm nét. Trong số 13 tác giả và 15 tác phẩm được chọn, Đà Nẵng có 2 tác  giả Nguyễn Tường Vinh và Trần Hữu Hóa được chọn 2 tác phẩm và có tác phẩm đạt huy chương đồng (họa sĩ Duy Ninh). Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Hoàng Anh nhận xét: “Qua triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần này, chúng ta có thể khẳng định Đà Nẵng vững vàng  là một trong những trung tâm mỹ thuật của cả nước”. Vậy sao từ đó tới nay vì sao hoạt động mỹ thuật ở Đà Nẵng vẫn không khởi sắc? Lý giải điều này, nhiều người cho rằng vì Đà Nẵng không có thị trường mỹ thuật và quan trọng là không được khuyến khích, đầu tư đúng mức.

Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ tâm sự: “Đà Nẵng có rất nhiều họa sĩ tên tuổi và người dân Đà Nẵng cũng rất yêu thích mỹ thuật,  bởi tôi vẫn bán được những bức tranh giá vài chục triệu đồng. Điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức mỹ thuật của người dân vẫn có, quan trọng là làm sao để khơi dậy và tạo được phong trào. Vì thế khi biết Đà Nẵng chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật, anh em họa sĩ chúng tôi rất vui. Ai cũng muốn mình có tranh trưng bày trong bảo tàng, nên gắng sức sáng tác những tác phẩm đẹp, có giá trị”.

Anh Hồ Đình Nam Kha–Chủ tịch Hội mỹ thuật TP Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát thì hiện các họa sĩ Đà Nẵng có hơn 400 tác phẩm hội họa xuất sắc, đoạt giải, có thể trưng bày ở bảo tàng. “Nhiều người khi biết thông tin Đà Nẵng xây dựng bảo tàng Mỹ thuật đã giữ lại những tác phẩm này để mong đưa vào bảo tàng, nếu như trước đây thì họ đã mang đến địa phương khác để bán. Việc xây bảo tàng giống như luồng gió mới cho mỹ thuật Đà Nẵng, khuyến khích sáng tác, tạo nên phong trào mỹ thuật, nhất là cho những bạn trẻ đam mê hội họa”–anh Kha nói.

Minh Hà