Báo Công An Đà Nẵng

Gambia bùng nổ khủng hoảng chính trị

Thứ sáu, 20/01/2017 10:48

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Gambia Yahya Jammeh từ chối chuyển giao quyền lực cho lãnh đạo phe đối lập Adama Barrow, người chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 1-12-2016. Động thái này buộc quân đội các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đem quân đến sát biên giới. Chuyện gì sẽ xảy đến với quốc gia Tây Phi này?

Đem quân đến biên giới

18-1 là ngày tại nhiệm cuối cùng của ông Jammeh, nhưng Quốc hội Gambia đã thông qua nghị quyết mở rộng nhiệm kỳ tổng thống của ông thêm 3 tháng nữa. Tuy nhiên, Senegal đưa ra thời hạn chót là nửa đêm, yêu cầu ông Jammeh từ chức. ECOWAS yêu cầu Senegal can thiệp quân sự, nhưng đây là một phương sách cuối cùng và phải nhận đươc sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. "Nếu không có giải pháp chính trị nào được đưa ra, chúng tôi sẽ tiến vào", Đại tá Abdou Ndiaye, phát ngôn viên của quân đội Senegal, cho biết. Nigeria cũng điều động 200 binh sĩ cùng nhiều máy bay, tàu chiến tới Senegal. Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo tuyên bố nước này sẽ cử 205 binh sĩ tới Gambia để tham gia vào phái bộ của khu vực.

Trong khi đó, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Gambia Ousman Badjie tuyên bố sẽ không ra lệnh cho binh sĩ đánh trả lực lượng từ các nước Châu Phi khác nếu họ tiến vào lãnh thổ Gambia.

Không chịu từ bỏ quyền lực

Ông Jammeh, người lên nắm quyền tại Gambia trong cuộc đảo chính năm 1994, ban đầu thừa nhận ông Barrow giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 12-2016 nhưng sau đó bác bỏ.

Ông đã đệ đơn kiện lên Tòa án tối cao, yêu cầu xem xét kết quả bầu cử, đồng thời tuyên bố rằng quá trình pháp lý này sẽ ngăn ông Barrow nhậm chức. Ông cáo buộc ủy ban bầu cử đã có những sai phạm trong quá trình bầu cử, trong đó có việc ngăn những người ủng hộ ông đến các điểm bỏ phiếu. Ủy ban này sau đó thừa nhận có sai sót trong kết quả bầu cử ban đầu, nhưng không ảnh hưởng đến chiến thắng của ông Barrow. Ông Jammeh tuyên bố sẽ vẫn nắm quyền cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức.

Ông Jammeh cũng ban bố tình trạng khẩn cấp trong 90 ngày, giải thích rằng điều này sẽ ngăn chặn khoảng trống quyền lực trong khi chờ Tòa án Tối cao xem xét kết quả bầu cử. Trong khi đó, Tòa án Tối cao không thể đưa ra quyết định, ít nhất là cho đến tháng 5, do thiếu các thẩm phán. Các nhà phân tích cho rằng, động thái này của ông Jammeh, cùng với việc Quốc hội mở rộng nhiệm kỳ của ông, là tín hiệu rõ ràng cho thấy ông từ chối những nỗ lực hòa giải.

Ông Yahya Jammeh (trái) từ chối chuyển giao quyền lực cho ông Adama Barrow. Ảnh: AFP

Căng thẳng gia tăng

Căng thẳng tăng cao ở thủ đô Banjul do lo ngại xung đột chính trị sẽ tiếp tục leo thang. Hàng ngàn người dân đã bỏ chạy sang các nước láng giềng hoặc về khu vực nông thôn. Chính phủ Senegal cho biết ít nhất 26.000 người đã rời Gambia đến Senegal.

Người dân Gambia lo dự trữ thức ăn, nước uống. Các bệnh nhân tại Bệnh viện Edward Francis ở Banjul buộc phải xuất viện, chỉ những người được chăm sóc đặc biệt mới ở lại. Liên minh của ông Barrow thúc giục người dân "kiềm chế, tuân thủ các quy tắc của pháp luật và không phản ứng với sự khiêu khích".

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Anh và Hà Lan đã ban bố cảnh báo và sơ tán du khách. Khoảng 1.000 du khách Anh rời Banjul trên các chuyến bay đặc biệt ngày 19-1.  Sự hoảng loạn gây ra bởi tình trạng khẩn cấp gây thiệt hại tài chính khá lớn cho Gambia- quốc gia có 20% nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch.

 An Bình

(Theo CNN, AFP)