Gần 1.500 thí sinh “tranh suất” vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
Kết thúc 150 phút làm bài, các thí sinh ra về với tâm trạng khá nhẹ nhàng. Theo nhận xét của một số thí sinh, đề thi ở hầu hết các môn chuyên năm nay có phần dễ hơn so với các năm trước, tuy nhiên vẫn hội đủ yếu tố phân loại cao, đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng mới có thể đạt được điểm tuyệt đối. Một số đề thi hơi dài.
Với mục đích thi chỉ để thử sức và học hỏi thêm, thí sinh Hà Thi Hải – HS trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, đăng ký dự thi vào 10 chuyên Toán, vui vẻ nhận xét: “Cấu trúc đề thi môn Toán năm nay cũng như mọi năm. Phần hình em thấy khó, những câu còn lại thì đều nằm trong chương trình học. Em làm được khoảng 60%. Đây chỉ là cuộc thi để thử sức mình nên em thấy rất thoải mái”.
Nhận xét về đề thi chuyên Hóa, thí sinh Trí Dũng – HS trường THCS Tây Sơn tự tin chia sẻ: “Em thấy đề chuyên Hóa năm nay vừa sức với chúng em và dễ hơn nhiều so với năm ngoái, chỉ có phần hữu cơ hơi khó. Em làm được tầm 70-80% bài thi”.
Nhận xét đề Lý, thí sinh Nguyên Khôi –HS THCS&THPT Nguyễn Khuyến cũng đánh giá tương đối dễ: “Em nghĩ nếu các bạn học và ôn tập tốt, nắm chắc kiến thức sẽ đạt điểm cao. Em tham gia kỳ thi lần này với tâm thế nhẹ nhàng, muốn được thử sức mình, nhưng nếu đậu vào Chuyên Lê Quý Đôn thì quá tuyệt vời”.
Tiếp sức cho các sĩ tử tại điểm thi trường THPT Phan Châu Trinh, em Nguyễn Hoàng Quyên - HS lớp 12B2, chuyên Sinh Lê Quý Đôn nhận xét đề năm nay hay, có tính phân hóa cao hơn so với đề Sinh năm ngoái.
Đối với môn Ngữ Văn, phần lớn thí sinh nhận xét đề không quá khó, đặc biệt, câu nghị luận xã hội hay, mang tính thời sự khi đưa vấn đề sống ảo- sống thực vào trong đề thi. Trong tâm trạng khá hài lòng với phần thi của mình, thí sinh Nguyễn Thái Minh Phương - HS trường THCS Nguyễn Văn Linh, dự thi tại điểm trường THPT Trần Phú cho biết, em rất ấn tượng với câu nghị luận xã hội. Ở phần thi này, từ thực tế đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay, đề thi khơi gợi tư duy sáng tạo từ thí sinh. Cụ thể, từ ngữ liệu văn bản có tựa đề “Hơn một khoảnh khắc bị bỏ lỡ” (trích trong “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân- NXB Hội Nhà văn, năm 2020), thí sinh hãy trình bày suy nghĩ của mình về thông điệp rút ra từ văn bản, đó là: Đừng quá chú trọng vào việc sống ảo, mà hãy ngắm nhìn, cảm nhận thế giới xung quanh bằng chính đôi mắt, bằng tâm hồn và bằng tất cả các giác quan của mình… Ở phần nghị luận Văn học, đề ra dạng câu hỏi mở, thí sinh được quyền lựa chọn một trong số tác phẩm thuộc chương trình Ngữ văn THCS vận dụng vào bài thi của mình để trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết” qua chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại Hội nghị Những người viết Văn trẻ toàn quốc lần thứ X: “Chúng ta viết bởi sự rung động trước cái Đẹp của thiên nhiên, của văn hóa và của con người (…). Chúng ta muốn dùng trái tim, sự thấu hiểu và nghệ thuật của ngôn từ để mở ra những vẻ Đẹp và lan tỏa những vẻ Đẹp ấy cho con người”. “Em thấy đề Văn năm nay rất hay, khơi gợi được tư duy sáng tạo, lại vừa sức với thí sinh. Với đề thi này, tùy theo tư duy, sự cảm thụ và nhạy cảm của mình, mỗi bạn sẽ có cách nhìn nhận vấn đề để thực hiện bài thi. Em tự tin với bài thi của mình”- Minh Phương chia sẻ.
Sở GD-ĐT TP cho biết, có 46 thí sinh vắng thi so với số lượng 1.535 thí sinh đăng ký dự thi. Chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024 – 2025 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng là 300 học sinh. Cụ thể, môn Toán: 60 em; Ngữ Văn: 25 em; tiếng Anh: 35 em; tiếng Pháp: 10 em; tiếng Nhật: 10 em; Vật lý: 50 em; Hóa học: 35 em; Sinh học: 35 em; Tin học: 20 em; Lịch Sử: 10 em và Địa lý: 10 em
Thanh Hoa