Báo Công An Đà Nẵng

Gắn bó tình làng nghĩa xóm

Thứ sáu, 05/05/2017 09:18

(Cadn.com.vn) - Với người dân thôn Gò Hà (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” như một luồng khí mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Niềm phấn chấn, khí thế thi đua sôi nổi len lỏi vào từng mái nhà thúc giục người dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị.

Từ năm 2005 đến nay, năm nào Gò Hà cũng được công nhận là thôn văn hóa. Theo ông Ngô Văn Hà, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, thành quả đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa của Gò Hà hôm nay là kết quả của sự đồng thuận, đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm, tinh thần tự giác tham gia đóng góp thực hiện nghĩa vụ công dân; sự chung sức, chung lòng trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng vươn tới mục tiêu xây dựng cuộc sống giàu đẹp, văn minh. Năm 2016, Gò Hà được TP công nhận là “Thôn văn hóa tiêu biểu xuất sắc”.

Nhân dân Gò Hà trồng cây xanh xây dựng cảnh quan thôn xóm.

Thôn Gò Hà có 252 hộ/1.065 khẩu, đa số hộ gia đình chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Khi TP triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, sự thay da đổi thịt thấy rõ nhất trên từng đường thôn, ngõ xóm. Nhiều tuyến đường kiệt hẻm, giao thông nội đồng trước đây là những con đường đất thì giờ đây nhân dân đã góp tiền, góp của bê-tông hóa khang trang, sạch đẹp. Xác định cải thiện thu nhập người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nên cấp ủy, Ban công tác Mặt trận thôn phối hợp với các tổ chức thành viên vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế.

Từ các mô hình sản xuất nông nghiệp được nhân rộng, đời sống của nhiều hộ gia đình trong thôn được nâng lên, tăng tỷ lệ lao động có việc làm ổn định; vận động giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh ngặt nghèo; số hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể, không còn nhà tạm, thu nhập bình quân đầu người hơn 27 triệu đồng/năm... Trong thôn không có con em bỏ học nửa chừng, số học sinh học khá giỏi tăng hơn các năm trước, 100% trẻ em trong độ tuổi đều ra lớp. Trong việc cưới hỏi, lễ tang hiếu được tổ chức nghiêm trang đúng theo quy định của Nhà nước, tiết kiệm xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh. Qua bình xét, hàng năm có gần 95% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”...

Một nét riêng về tính nhân văn mà các tộc họ ở thôn Gò Hà thể hiện, là khơi nguồn, động viên con cháu thành đạt góp sức giúp đỡ các hộ nghèo mà hiệu quả nhất là việc đóng góp, xây dựng quỹ khuyến học để động viên con cháu không có điều kiện được tiếp tục đến trường, tổ chức phát thưởng cho các cháu hiếu học, học giỏi và cưu mang đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những người lầm lỗi vươn lên trong cuộc sống. Việc xây dựng hiệu quả thôn văn hóa có ý nghĩa rất thiết thực trong đời sống, sinh hoạt của các tộc họ... Ông Đỗ Hữu Ninh, Trưởng tộc Đỗ phấn khởi: “Hầu như trong tộc không có trường hợp nào vi phạm pháp luật và vướng phải TNXH. Không có tình trạng mất đoàn kết trong gia đình cũng như thôn, xóm. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các gia đình và mỗi cá nhân đều có ý chí vươn lên, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao”...

Nói về kinh nghiệm xây dựng, gìn giữ thôn văn hóa nhiều năm liền, Trưởng thôn Gò Hà Trần Văn Em bộc bạch: “Điều cốt yếu là phải phát huy dân chủ trong nhân dân gắn kết với việc thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên cơ sở “lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân” đã được các hội đoàn thể, các tộc họ trong thôn cam kết thi đua, thực hiện. Mọi người dân đều nhận thức được rằng xây dựng thôn văn hóa bền vững sẽ làm cho kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó. Thôn xóm yên vui, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, công tác, học tập, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Vy Hậu