Gắn kết tình hữu nghị Việt-Lào
Năm 2017 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Lào với nhiều sự kiện quan trọng của cả hai nước, mở ra triển vọng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững trong những năm tới. Việc thắt chặt hợp tác trên tất cả các lĩnh vực ngày càng phát triển, tình hữu nghị giữa hai nước không ngừng được tăng cường, sự hợp tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu, đưa mối quan hệ Việt Nam - Lào phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Kikeo Khaykhamphithoun, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trao giải nhất cho cá nhân, tập thể. |
Lịch sử quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào còn là đề tài cho các tác giả, các cây bút có thêm cảm hứng khơi gợi lại những kỷ niệm, những tình cảm sâu sắc, gắn bó keo sơn, thủy chung son sắt của hai nước láng giềng, hai dân tộc anh em có một không hai trên thế giới. Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào 2017” được tổ chức, phát động từ ngày 18-4-2017, với hai hình thức là thi trắc nghiệm và thi viết đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi vùng miền Tổ quốc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước trong việc gìn giữ, phát huy giá trị đoàn kết, tình cảm gắn bó thủy chung đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước.
Nhiều người dự thi ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng chịu nhiều thiên tai lũ lụt trong năm, như khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... Nhiều người tham gia nhiều tuần thi; nhiều người dự thi cùng địa bàn cư trú với tinh thần say mê, nhiệt tình. Từ những cán bộ tiền khởi nghĩa nay đã ở tuổi 90 đến không ít những sinh viên, trong đó có cả những sinh viên Lào đang học tập trên đất nước Việt Nam hay học sinh cấp 2, cấp 3; các chiến sĩ lực lượng vũ trang... Có những thí sinh dự thi là vợ chồng cựu chiến binh già từng chiến đấu, tình nguyện trên đất bạn Lào, đã tham gia tích cực từ cuộc thi năm 2012 đến cuộc thi lần này. Với tấm lòng tự hào và tôn kính những giá trị cao đẹp của tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, có tác giả là hội viên Hội người Mù đã gửi về dự thi những trang chữ nổi đong đầy ý nghĩa.
Đó là những câu chuyện được ghi chép trên đường hành quân; tình cảm của các bà mẹ, các cô gái Lào đối với bộ đội Việt Nam; những tấm gương hy sinh quả cảm của quân đội và nhân dân hai nước là chủ đề thường trực trong nhiều bài dự thi. Không chỉ có những lời văn hào sảng về giai đoạn lịch sử khó quên của cả hai dân tộc, nhiều tác giả còn gửi gắm tình cảm qua những bài thơ chân chất mà đậm đà ý nghĩa. Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi chia sẻ: “Trong quá trình chấm bài, không ít lần các thành viên Ban Giám khảo đã dừng lại để chia sẻ những kỷ niệm, những ký ức xúc động được gợi lên qua từng trang viết. Những cựu bộ đội tình nguyện Việt Nam, cựu chuyên gia quân sự, văn hóa tại Lào... đang lưu giữ, nâng niu những tư liệu, hình ảnh quý, có giá trị lịch sử ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, họ luôn trân trọng và nhớ như in từng năm tháng bộ đội Việt Nam cùng bộ đội Pathet và nhân dân Lào sống, chiến đấu trên các chiến trường đạn bom ác liệt: từ chiến dịch Cù Kiệt, chiến dịch Đường 9 - Trung Lào, Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, chiến dịch tiến công Nặm Bạc; hay trên tuyến đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn...”. Bên cạnh những ký ức hào hùng về một thời đạn bom chiến tranh, nhiều kỷ niệm đặc biệt về những người bạn Lào trong thời bình, những tình cảm gắn kết, thắm đượm nghĩa tình giữa nhân dân Việt - Lào cũng đã được gửi gắm vào bài thi. Đó là câu chuyện về đồng chí Bun Ưa Phom Khê (nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Savanakhet), 17 năm gắn bó cùng các đoàn Việt Nam tìm kiếm, cất bốc hơn 5.000 ngôi mộ liệt sỹ Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ. Từ những tâm sự về người bố, hiện đang công tác tại Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay ở vùng Biên giới Việt – Lào, tình quân - dân hai nước qua lăng kính của cô học trò lớp 9, tỉnh Quảng Trị thật mộc mạc và chân thành...
Ngày 20-12, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Ban tổ chức đã tổng kết và trao giải cho các tác giả đoạt giải. Với các kết quả đạt được, Cuộc thi góp phần khẳng định tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu, tình cảm gắn bó, thủy chung, trong sáng của hai dân tộc Việt Nam và Lào trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phát triển; là mối quan hệ mẫu mực hiếm có, biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết giữa các dân tộc; tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ tiếp tục vun đắp tình hữu nghị hai nước; đồng thời phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch gây chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Đồng chí Phạm Văn Linh khẳng định: “Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào năm 2017 đã thành công tốt đẹp. Với những kết quả đạt được, Cuộc thi thực sự có ý nghĩa to lớn, là điểm nhấn thiết thực trong các hoạt động chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào 2017; chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước mãi mãi xanh tươi, ngày càng bền chặt”.
L.A