Báo Công An Đà Nẵng

Gắn kết văn hóa Việt – Ấn

Thứ năm, 24/10/2013 09:39

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-10, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm “Giao lưu văn hóa Việt Nam – Ấn Độ”. Buổi tọa đàm đã chỉ ra rằng, mối giao lưu văn hóa giữa hai nước đã có từ lâu và đến nay vẫn tiếp tục phát triển sâu rộng.

VĂN HÓA ẤN TRÊN DI TÍCH CHĂM

Từ rất lâu, thông qua con đường giao thương trên biển, văn hóa Ấn Độ đã sớm có mặt tại Việt Nam, dấu vết để lại là những dấu chân Phật hay những truyền thuyết được ghi chép trong lịch sử. Và trong đó, nền văn minh Chămpa thể hiện đậm nét nhất sự giao lưu văn hóa giữa hai nước. Những tinh thần của văn hóa Ấn Độ được người Chăm tiếp thu chọn lọc, tạo nên tín ngưỡng văn hóa Chăm, trở thành một hệ tư tưởng chi phối đời sống tinh thần xã hội Chămpa. Những ảnh hưởng đó cho đến ngày nay vẫn được lưu giữ qua các di tích kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc đá, cùng nội dung ẩn chứa trên mỗi di tích, tác phẩm được người Chăm tạo tác, dựng xây trong lịch sử.

Trong những di tích Chăm, có thể thấy nội dung của tôn giáo, văn hóa Ấn Độ thể hiện trên các tác phẩm nghệ thuật Chăm như chữ viết trên các bi ký có nguồn gốc từ Ấn Độ. Và trong hệ thống thần linh vô cùng phong phú của văn hóa Ấn Độ, hình ảnh các thần như Shiva, Bhrama, Visnu hay các linh vật khác đều được người Chăm khắc tạc thể hiện bằng hình ảnh cụ thể trên các tác phẩm điêu khắc. Các cuộc khai quật gần đây ở Trà Kiệu–kinh đô một thời của Chămpa cho thấy bằng chứng phong phú về ảnh hưởng của Ấn Độ trong hình thức phù điêu của người Chăm. Vì vậy có thể nói nội dung văn hóa Ấn được thể hiện theo suốt chiều dài lịch sử văn hóa Chăm, đặt nền móng cho mối giao lưu văn hóa hai nước Việt - Ấn cho đến tận bây giờ.

Các thành viên của đoàn đại biểu Ấn Độ thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng,
nơi lưu giữ nhiều dấu ấn giao lưu văn hóa Việt - Ấn.

Nói về mối giao lưu văn hóa giữa Chăm và Ấn Độ, PGS. TS Lê Đình Phụng – Viện khảo cổ Việt Nam từng nhìn nhận: “Truyền thống văn hóa, tín ngưỡng Chămpa được núp dưới vỏ bọc văn hóa tôn giáo Ấn Độ và ngược lại, văn hóa, tôn giáo Ấn đã hội nhập thành công trong văn hóa Chămpa, hình thành nên vùng văn hóa “phi Hoa” trong tổng thể văn hóa Việt Nam trong lịch sử. Sự thành công này tạo nên mối quan hệ truyền thống văn hóa giữa các dân tộc người sống trên dải đất Việt Nam và Ấn Độ trong lịch sử”.

NỐI NHỊP CẦU VĂN HÓA

Từ những nền tảng văn hóa ban đầu đó, cho đến bây giờ Việt Nam và Ấn Độ là hai đất nước có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp truyền thống, lâu đời. Hằng năm hai bên tổ chức liên hoan hữu nghị nhân dân giữa hai nước. Và năm nay là lần thứ 3 liên hoan được tổ chức ở Việt Nam, tại các địa phương Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Tại Đà Nẵng diễn ra nhiều hoạt động phong phú nhân liên hoan này. Ông Huỳnh Đức Trường–Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng cho biết, những năm qua mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực đều đạt kết quả tốt. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 56 triệu USD trong năm 2012, hằng năm chính phủ Ấn Độ cũng đã dành những suất học bổng trên nhiều lĩnh vực như đào tạo tiếng Anh, công nghệ thông tin, môi trường... cho các cán bộ Đà Nẵng.

Và trong đó việc giao lưu văn hóa, nghệ thuật luôn là những hoạt động nổi bật. Trong thời gian qua, thành phố đã phối hợp với  Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và  Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Đà Nẵng như các buổi biểu diễn múa Odissi Ấn Độ, biểu diễn của đoàn nghệ thuật Bollywood và tổ chức tuần lễ phim Ấn Độ hay chương trình biểu diễn của ban nhạc rock Shawass tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang phối hợp với Học viện bảo tàng quốc gia về lịch sử nghệ thuật, bảo tồn và Bảo tàng học Ấn Độ xúc tiến và triển khai dự án hợp tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản ấn phẩm “Điêu khắc Chăm của Việt Nam và mối quan hệ với nghệ thuật Ấn Độ”...

Những hoạt động như thế gắn chặt thêm mối quan hệ văn hóa giữa Đà Nẵng và Ấn Độ. “Tại TP Đà Nẵng, những dấu ấn về quan hệ hữu nghị hợp tác được ghi nhận trên những lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt văn hóa Ấn còn được cảm nhận một cách sâu sắc tại Đà Nẵng bởi nền văn hóa Chămpa và buổi tọa đàm là dịp để tìm hiểu thêm mối liên hệ của văn hóa Ấn Độ đến văn hóa của cộng đồng người Chăm ở miền Trung, trong đó có Đà Nẵng.

Từ đó chúng ta càng giữ gìn, vun đắp những tài sản quý giá của văn hóa và quan hệ hợp tác, hữu nghị của hai dân tộc”-ông Trường nhấn mạnh. Còn ông D.P. Tripathi–Tổng thư ký Đảng Quốc Đại dân tộc, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Ấn Độ thì cho rằng: “Qua những hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, giữa hai đất nước chúng ta sẽ càng thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, nhất là tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước”. Bắt đầu từ sự giao lưu thời kỳ Chămpa, giờ đây văn hóa đã và đang gắn kết hai đất nước Việt Nam - Ấn Độ, đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển.

H.A