Báo Công An Đà Nẵng

Đề án "Xã biên giới sạch về ma túy":

Gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân với quan điểm "5 rõ"

Thứ bảy, 14/12/2024 07:15
PGS.TS Đại tá Trần Quang Huyên phát biểu kết luận Hội thảo.

Việt Nam và Lào là hai nước có đường biên giới chung dài trên 2.300 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Địa hình khu vực biên giới phần lớn là núi cao hiểm trở. Dân cư sinh sống khu vực biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, chịu tác động trực tiếp của tình hình ma túy khu vực "Tam giác Vàng".

Tội phạm ma túy trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào ngày càng manh động, tinh vi, phức tạp. Các đối tượng thường xuyên tổ chức thành nhóm khép kín, sử dụng vũ khí nóng và quyết liệt chống trả khi bị phát hiện. Đặc biệt, sự liên kết giữa các đối tượng trong nước và người Lào để tập kết, vận chuyển ma túy qua biên giới đã tạo ra thách thức lớn đối với lực lượng chức năng.

Trước tình hình trên, Bộ Công an chỉ đạo "lấy phòng ngừa là chính" và với mục tiêu tạo lập "lá chắn", "vành đai biên giới" sạch ma túy để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy từ Lào về Việt Nam. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an các tỉnh giáp biên đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy. Bộ Công an đã triển khai Đề án "Xã biên giới sạch về ma túy". Nghệ An là tỉnh đầu tiên triển khai thí điểm đề án. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau 6 tháng thực hiện, Nghệ An đạt được những kết quả khả quan với 284 xã và 7 huyện được công nhận đạt tiêu chí "sạch về ma túy". Thành công của Nghệ An trở thành mô hình điểm để nhân rộng ra 9 tỉnh biên giới khác.

Đề án "Xã biên giới sạch về ma túy" nhấn mạnh vai trò của hệ thống chính trị địa phương, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như: Công an, Bộ đội Biên phòng và nhân dân… Các mô hình phòng chống ma túy kiểu mẫu, kết hợp tuyên truyền, cai nghiện, quản lý sau cai, đã được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Từ tháng 7-2021 đến 6-2024, Công an 10 tỉnh biên giới giáp Lào đã phát hiện, bắt giữ hơn 14.000 vụ với gần 20.000 đối tượng, thu giữ hơn 1,9 tấn ma túy các loại và gần 3,1 triệu viên ma túy tổng hợp, gần 3.500 cây thuốc phiện và nhiều vật chứng liên quan khác.

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận của các đại biểu. Các bài tham luận chủ yếu tập trung phân tích tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào; những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng xã biên giới sạch về ma túy; nhận thức pháp luật của người dân khu vực biên giới; cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí tại các xã biên giới. Hội thảo cũng dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn các tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới; đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác xã biên giới giáp Lào sạch về ma túy.

Bên cạnh đó, các ý kiến đóng góp từ hội thảo vừa phản ánh thực trạng vừa đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá. Đặc biệt, vai trò của công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Biên phòng và chính quyền địa phương được đánh giá là yếu tố then chốt.

PGS.TS Đại tá Trần Quang Huyên- Phó Giám đốc Học viện CSND cho biết, thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ nghiên cứu, tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an, Công an 10 tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã biên giới giáp Lào sạch về ma túy.

Phó Giám đốc Học viện CSND cũng đề nghị, các đơn vị cần tiếp tục tham mưu với chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã biên giới sạch về ma túy. Trong đó, xác định lộ trình cụ thể, gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy với quan điểm "5 rõ"- rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn nguồn "cung" ma túy vào khu vực biên giới để từ đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới Việt - Lào.

Dương Hóa