Gánh mùa xuân của mẹ
Ngày ngày, cứ tinh mơ sáng là mẹ dậy lột sắn, xay bột, rồi gói, nấu bánh. Bên bếp lửa hồng, củi nổ lép bép, nồi bánh sắn bốc hơi thơm nồng, mẹ vớt ra một cái ăn thử, nếu chưa chín thì tiếp tục chêm nước, thêm củi. Với đôi triêng gióng kĩu cà kĩu kịt trên vai, mẹ luôn có mặt ở các chợ huyện, rồi gánh chạy bộ lên thành phố tỏa đi các cung đường để bán. Tiếng rao của mẹ "ai bánh sắn nè!" như điệp khúc quen thuộc, đã khắc sâu vào tâm khảm tôi thuở còn thơ bé.
Chị em tôi lớn lên được học hành tử tế cũng nhờ gánh bánh sắn của mẹ. Nay đứa nào cũng có việc làm, thu nhập ổn định, cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn trước. Mỗi lần về thăm mẹ, thăm quê, tôi không quên dạo quanh một vòng vườn sắn xanh tươi, bạt ngàn do chính tay mẹ ươm trồng, chăm sóc, rồi xuống bếp ngắm cái nồi to tướng, cũ mèm chuyên dùng nấu sắn khoai, chiếc nồi là "kỷ vật" của đời mẹ. Hình ảnh rất đỗi thân thương ấy luôn nhắc nhớ tôi "ngọt bùi nhớ thuở đắng cay", biết trân trọng, nhớ nghĩ đến những gì thuộc về quá khứ, bởi đó là sợi dây gắn kết chúng ta với hiện tại, với cuộc sống hôm nay. Hàng năm, cứ sau hai mươi tháng Chạp là mẹ tôi mua dự trữ thêm sắn, khoai chất thành đống ở góc phòng để nấu bán dần mấy ngày Tết, thậm chí tăng gấp đôi số lượng so với ngày thường. Tôi hỏi: "Tết người ta ăn toàn thứ ngon…, gánh khoai sắn của mẹ e rằng bị…ế", mẹ tôi cười bảo: Con lớn nhưng chưa khôn, chưa hiểu biết nhiều. Rồi mẹ giải thích, hàng năm từ giữa tháng Chạp đến ba mươi Tết nhà nhà đều cúng tất niên, trong mâm lễ vật cúng ngoài trời, thị thực, cô hồn phải có khoai, sắn, đậu, bắp… vì đó là đồ ăn dân dã mà các "vị" khuất mặt khuất mày, không nơi nương tựa thường dùng"? Nhớ thời tiểu học, nhà thằng Thảo bạn tôi ở cùng xóm có điều kiện tổ chức sinh nhật cho nó, bạn bè đứa mua bánh kẹo, đứa mua đồ chơi bằng nhựa làm quà. Còn tôi thì xin mẹ mấy chục cái bánh sắn ngọt gói nhiều lớp bằng giấy báo xám xịt, rồi đon đả mở từ từ ra vẻ quà "xịn". Thế là cả nhóm mười mấy đứa "đánh" một bụng no nê…
Chị em tôi sau buổi học là phụ giúp mẹ cạo sắn, xé lá chuối, chẻ củi, gánh nước. Nhiều lúc mấy mẹ con lu bu cả buổi chiều vẫn chưa xong việc. Trời nhá nhem tối, tôi rọi đèn măng-xông để mẹ xuống bến đá của làng rửa sắn, chùi soong, gánh nước sông lên để lắng đọng sáng hôm sau nấu sắn, tuyệt đối mẹ không dùng nước giếng để nấu, vì nước giếng có chất phèn sẽ làm trâng củ, thâm đen khoai, sắn. Mỗi lần đi bán về, mẹ ăn bữa trưa qua loa vài miếng rồi hối hả gánh triêng gióng đi bới sắn với mấy bà trong làng cùng nghề với mẹ. Sau khi sắn đã chặt thành từng củ sắp vào thúng, mẹ cẩn thận lấy lá sắn đậy lên che ánh nắng mặt trời, nhằm giữ cho củ sắn được tươi lâu. Khi về đến nhà, những lá sắn kia trở thành thức ăn cho mấy chú "ỉn" trong chuồng. Làm bánh sắn không đơn giản như nhiều người tưởng, ngược lại rất kỳ công: từ khâu chọn sắn, mài bột, vắt bột, làm nhụy (nhân), rồi đến công đoạn gói, nấu. Nói tóm lại, để cho ra những chiếc bánh thành phẩm, mẹ tôi phải đổ khá nhiều mồ hôi và cả sự lao lực. Nhọc nhằn là thế, vất vả là thế nhưng mẹ chưa bao giờ than vãn, kêu ca, bi lụy hay chịu đầu hàng số phận. Đơn giản, mẹ chỉ mong kiếm được "đồng ra, đồng vào" để nuôi con học hành kiếm đôi ba chữ mới mong thoát nghèo bền vững, mong sao cho các con sớm làm kinh tế bằng tri thức, chất xám, không phải lam lũ lao động chân tay, bằng cơ bắp mà vẫn không khấm khá lên được như lâu nay.
Những ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024 ở quê tôi, nhà nhà tất bật sắm sửa những vật ngon, thức ăn, đồ uống sang trọng, dự trữ dùng dần mấy ngày Tết. Còn mẹ tôi, vẫn như mọi ngày, vẫn lầm lũi, tảo tần, cần mẫn với những bụi sắn, củ khoai sau vườn, với gánh bánh sắn thân thương và tiếng rao quen thuộc. Hơn ba mươi mùa xuân trĩu nặng đôi vai, dù nắng hay mưa mẹ vẫn miệt mài, say mê với công việc gói bánh sắn… Năm hết Tết đến, đông qua xuân về, mẹ tôi vẫn kĩu cà kĩu kịt triêng gióng trên vai với những chiếc bánh sắn nóng hổi, thơm lừng…
Mẹ đang gánh mùa Xuân đi khắp nơi…
Tản văn: Võ Văn Dần