Gánh nặng người già của Nhật Bản
(Cadn.com.vn) - Người Nhật đang già đi nhanh chóng với hơn 1/4 dân số hơn 65 tuổi, và dự định sẽ tăng lên 40% vào năm 2055, khi dân số thu hẹp từ 127 triệu xuống còn 90 triệu người. Và Nhật đang cần thêm 1 triệu y tá và nhân viên chăm sóc vào năm 2025.
“Quá mệt mỏi”
Nhiều lần trong đêm, Midori Ide tỉnh dậy để giúp người bà 96 tuổi đi vệ sinh. Để chắc chắn có người giúp bà ngay lập tức, Midori ngủ ngay bên cạnh bà. Đó không phải là một nhiệm vụ mà nhiều người 29 tuổi như Midori muốn làm. Nhưng cô cho biết cảm thấy áy náy vì mình chỉ có thể giúp bà 1 đêm/tuần. 6 đêm còn lại, Midori làm việc tại một nhà dưỡng lão chăm sóc người cao tuổi khác trong khi bà cô lại ở tại một cơ sở khác. “Đó là một tình thế khó xử, nhưng tôi cần phải kiếm tiền vì gia đình”, cô nói.
Midori mơ ước được ra nước ngoài. Cô không có thời gian dành cho bạn bè. “Tôi không muốn bà ngoại nghe điều này, nhưng tôi đã gần 30 tuổi và lo lắng rằng liệu có thể lập gia đình trong vài năm tới. Nhưng tôi muốn được ở bên bà cho đến khi bà được 100 tuổi”, cô nói. Midori là một trong 177.600 người dân Nhật trong độ tuổi từ 15-29 đang chăm sóc cho một thành viên gia đình. Tuy nhiên, không nhiều người có tấm lòng tốt như Midori. Số lượng các hộ gia đình có người già cần được chăm sóc ngày càng tăng. Tháng trước, một người chồng 71 tuổi bị bắt vì tội giết vợ đã mất trí nhớ. “Tôi đã quá mệt mỏi vì chăm sóc bà ấy. Tôi muốn có cuộc sống của riêng mình”, ông thú nhận.
Dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng. Ảnh: BBC |
“Ngôi nhà tạm thời”
Khuyến khích nhập cư có vẻ như là một giải pháp đơn giản - nhưng không phải là giải pháp phổ biến. Nhật vẫn là một trong những quốc gia dân tộc thuần nhất trên thế giới, với người nước ngoài chiếm dưới 2% dân số. Mở cửa chính sách nhập cư là một chủ đề rất nhạy cảm.
Năm 2008, chính phủ bắt đầu cho phép y tá và nhân viên chăm sóc nước ngoài đến Nhật làm việc. Nhưng quy trình này được kiểm soát gắt gao. Họ phải vượt qua các kỳ thi quốc gia vô cùng khó khăn và cho đến nay, chỉ có 304 y tá và người chăm sóc ngước ngoài có thể coi Nhật là ngôi nhà tạm thời của họ.
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, ông muốn mở rộng chương trình thu hút người lao động nước ngoài, nhưng họ phải về nước sau 3-5 năm. Chỉ trích chính sách này, Hidenori Sakanaka, giám đốc điều hành Viện Chính sách Nhập cư Nhật, cho biết: “Những gì chính phủ đang làm không phải là biện pháp để giải quyết sự sụt giảm dân số nghiêm trọng. Nhật cần 10 triệu người nhập cư trong vòng 50 năm tới và chúng ta cần phải chấp nhận họ là thành viên mới của xã hội. Nếu chúng ta giáo dục những người trẻ tuổi về việc cần đa sắc tộc hơn để giải quyết vấn đề dân số, tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được điều đó mà không gây ra vấn đề lớn”.
Sự khác biệt văn hóa
Nhà báo nổi tiếng Ayako Sono ủng hộ việc loại bỏ các yêu cầu nghiêm ngặt để cho phép lao động nước ngoài đến Nhật chăm sóc người già. Tuy nhiên, ông cho rằng những lao động này phải sống trong các cộng đồng riêng biệt- ý kiến bị chỉ trích là ủng hộ chính sách phân biệt chủng tộc.
Trong các ngành công nghiệp dịch vụ, thuê sinh viên nước ngoài làm nhân viên bán thời gian, cũng nhận được thông tin phản hồi gay gắt, đặc biệt là từ những người không mấy thiện cảm với người nước ngoài. “Khách hàng luôn hỏi tại sao những người phục vụ họ không thể nói được tiếng Nhật rành mạch. Một số còn phàn nàn tại sao chúng tôi thuê người Trung Quốc...”, Naoki Ishino, quản lý của chuỗi nhà hàng Negishi cho biết.
Tuy nhiên, dù cho phép một số lượng hạn chế sinh viên nước ngoài làm việc trong các nhà hàng, số lao động cần thiết để chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng của Nhật vẫn thiếu hụt trầm trọng. Và trước mắt không có giải pháp nào. “Nhật quá bảo thủ đối với người nhập cư và chúng ta cần phải bãi bỏ quy định này”, Seijiro Takeshita của Mizuho International, cho biết. Nhưng ông cho rằng, chính phủ cần chắc chắn điều này sẽ không làm hại “tư tưởng đồng nhất” rằng “thất bại của đa văn hóa ở Châu Âu dẫn đến xung đột xã hội”.
An Bình
(Theo BBC)