Gặp các nữ điều dưỡng bệnh nhân tâm thần
(Cadn.com.vn) - Dù là những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng họ đã chọn cái nghề vất vả là chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần. Với họ, ngoài sự kiên nhẫn, kỹ năng nghề nghiệp, phải có lòng yêu người, yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài với những bệnh nhân đặc biệt này.
Hằng ngày, các nữ điều dưỡng theo dõi, kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân. |
Mỗi bệnh nhân như một đứa trẻ
Đến Trung tâm điều dưỡng người tâm thần TP Đà Nẵng vào buổi trưa, chúng tôi chứng kiến cảnh các nữ nhân viên nơi đây chạy ngược chạy xuôi để chuẩn bị từng phần cơm cho người bệnh. Khuôn viên trung tâm rộng rãi, thoáng đãng, được chia thành 5 khu, gồm 3 khu bệnh nam, 1 khu bệnh nữ và 1 khu chăm sóc đặc biệt; khu điều dưỡng luân phiên được xếp ở phía ngoài. Khác với những gì thường nghĩ về nơi điều trị bệnh nhân tâm thần, những bệnh nhân ở đây rất "ngoan", trật tự và không ồn ào. Đưa chúng tôi đi thăm các phòng bệnh, chị Ngô Thị Hồng (53 tuổi, cán bộ điều dưỡng Phòng Y tế), đã có 23 năm trong nghề cho biết, công việc hằng ngày của chị là quản lý bệnh án, kiểm tra vệ sinh bệnh nhân, theo dõi tình hình sức khỏe trong ngày, từ đó lên bệnh án và phân chia thuốc.
Đối với những bệnh nhân bình thường, việc chăm sóc sức khỏe đã vất vả, việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần càng khó khăn gấp bội. Nếu là nam, công việc có phần thuận lợi hơn, bởi bệnh nhân cũng biết "coi theo mặt", thấy nam nhân viên là sợ, nghe lời, còn thấy nữ, đôi khi họ còn bày trò chọc ghẹo, nhiều lúc lên cơn họ còn đuổi đánh nhân viên. Chị Hồng kể: "Các bệnh nhân nơi đây đa số khá tỉnh táo, nhưng có những khi lên cơn bất ngờ là lại đuổi đánh mình. Mình là nữ, những lúc đó chỉ biết bỏ chạy rồi nhờ các nhân viên nam vào khống chế, định thần lại họ. Ban đầu làm cũng áp lực lắm, sợ nữa, nhưng bây giờ thì quen rồi, hiểu tính tình bệnh nhân là thích nghi được hết".
Ân cần chăm sóc từ những việc nhỏ nhặt như chải đầu, buộc tóc... |
Gọi mỗi bệnh nhân như là một đứa trẻ, bởi để đảm đương công tác này, các chị cần phải có sự dịu dàng, tỉ mỉ nhất định và đặc biệt là phải biết cách yêu thương, dỗ dành, lúc ấy họ mới chịu nghe theo. "Quan trọng là phải có được lòng tin của bệnh nhân, khi đó việc chăm sóc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều" - chị Hồng tâm sự. Tuy nhiên, mỗi "đứa trẻ" lại mang mỗi tính cách khác nhau khiến các nhân viên nơi đây phải thường xuyên theo dõi cặn kẽ để có chế độ chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. Nếu như việc quản lý thuốc men, khám bệnh đã gặp không ít khó khăn thì việc trực tiếp chăm sóc, quản lý, hướng dẫn hành vi cho bệnh nhân từ vệ sinh cá nhân cho đến việc ăn uống, dọn dẹp... còn gây ra nhiều tình huống "dở khóc, dở cười".
Là cán bộ điều dưỡng phụ trách khu bệnh nam, chị Huỳnh Thị Như (36 tuổi) ngại ngùng kể: "Với những người bệnh nặng, chính chúng tôi phải là người trực tiếp cho ăn, tắm rửa, thay đồ... cho từng người. Lúc đầu ngại và sợ lắm, vì họ là người lạ, lại ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nhưng dần dà rồi quen, mình cứ dốc hết tâm sức ra làm thì không có gì là khó nữa". Thậm chí, khi có nữ nhân viên mới về làm việc, các bệnh nhân nam liền đổ xô đến vì tò mò. Chị Huỳnh Thị Phượng (27 tuổi, nhân viên điều dưỡng phòng Y tế) cười: "Ngày nào cũng đi kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nên có anh nọ còn nhận mình là vợ của anh, cứ thấy mình đi qua là gọi vợ. Mỗi khi khám cho một anh thì nhiều người khác cũng tập trung lại... xem, chờ tới lượt khám của mình. Họ vô tư như trẻ con, cái gì cũng đem ra so bì cho bằng được".
Cẩn thận, chu đáo chăm lo cho bệnh nhân trong từng bữa ăn. |
Càng gần càng thương
Công việc vui buồn là vậy, nhưng khi hỏi các chị rằng có bao giờ nản lòng hay muốn buông bỏ hay chưa, ai cũng cười hiền và nói "Càng gần người bệnh lại càng thấy thương họ, không bỏ mặc được". Mặc dù từng nhiều lần bị đánh, nhưng chị Hồng vẫn nhắc đến bệnh nhân Thành với một niềm yêu thương: "Đó là những lúc lên cơn thôi, chứ khi tỉnh lại thì tội lắm. Thấy tôi nghỉ làm nhiều ngày là cứ hỏi quanh quất, khi tôi đi làm lại thì chạy tới ôm vui mừng. Sáng nào cũng dậy sớm cầm chổi qua đây nói là quét sân cho cô Hồng, thấy thương lắm".
Bệnh nhân tâm thần cũng có những tâm tư, tình cảm không khác gì những người bình thường khác. Việc bệnh nhân nhớ những nhân viên điều dưỡng rồi chạy đi tìm khắp nơi khiến các chị cũng cảm thấy ấm lòng. Chị Như tâm sự: "Có người bệnh đánh mình, xong khi tỉnh lại thì tìm tới xin lỗi. Cũng có những người hay tìm cách bỏ trốn ra ngoài, trầy xước cả chân tay, nhưng khi bắt lại được thì họ khóc, nói là nhớ vợ, nhớ con. Thấy họ vậy, không thương sao được". Chính từ những tình cảm ngô nghê đó mà các nhân viên của trung tâm luôn dặn dò người nhà bệnh nhân phải chú ý thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên tinh thần cho người bệnh, tránh gây cho họ cảm giác bị bỏ rơi, tủi thân, không tốt cho quá trình điều trị.
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, các nhân viên của trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, lao động để bệnh nhân khuây khỏa, thư giãn đầu óc. Những chia sẻ, góp ý của bệnh nhân cũng được nêu rõ thông qua các buổi ngoại khóa này, giúp lãnh đạo trung tâm nắm bắt tình hình công tác của cán bộ, nhân viên. Ông Trần Đình Sang, Phó Giám đốc Trung tâm nhận xét: "Trung tâm có 335 bệnh nhân với 28 điều dưỡng, trong đó chỉ có 12 nữ nhưng các chị rất chịu khó làm việc. Qua quan sát cũng như phản ánh của bệnh nhân, tôi nhận thấy các chị có tinh thần, trách nhiệm rất cao, nhiệt tình với công việc. Mà cái nghề này, nếu không thực sự tâm huyết thì sẽ khó mà theo được".
Quả thực, phải có lòng yêu người, yêu nghề thì mới có đủ kiên nhẫn để gắn bó với những bệnh nhân nơi đây suốt ngày này qua tháng nọ. Nhìn cách các chị chăm bẵm cho những bệnh nhân nơi đây không khác gì người thân ruột thịt mới thấy, trách nhiệm nghề nghiệp và cái tình giữa những người xa lạ trong xã hội này vẫn còn bao la...
Thảo Vy