Gặp "cha đẻ" đèn led made in Vietnam
(Cadn.com.vn) - Người chúng tôi đề cập là Giám đốc Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng TP Đà Nẵng- kỹ sư Phạm Tài. Trong năm 2013, đề tài "Đèn chiếu sáng công viên vườn hoa" của ông đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Với sáng tạo này, ông đã giúp Nhà nước tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng tiền điện, tạo ra một phương cách chiếu sáng công cộng mới ở các đô thị trên cả nước.
Với nhiều người trong ngành thì cái tên Phạm Tài chẳng mấy xa lạ. Còn nhớ trong năm 2009, với công trình "Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng", kỹ sư Phạm Tài đã được trao tặng Giải thưởng sáng tạo Khoa học - công nghệ và nó trở thành nền tảng cho sáng tạo "Đèn chiếu sáng công viên vườn hoa" sau này.
Kỹ sư Tài kể, việc chiếu sáng công cộng tiêu tốn rất nhiều điện năng, ngoài ra chất lượng chiếu sáng thấp và tuổi thọ của các bóng đèn không cao. Chính điều đó đã thôi thúc ông nghiên cứu chế tạo loại đèn tiết kiệm năng lượng mà hiệu quả. "Tôi có ý tưởng này từ năm 2008, tuy nhiên trong lần đầu thực hiện đã gặp thất bại, vì công nghệ đèn LED rất mới lạ ở Việt Nam thời điểm đó. Tuy nhiên, sau nhiều lần nghiên cứu, tôi đã sáng tạo thành công đèn chiếu sáng ngõ, xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng với giá thành rẻ hơn các loại đèn khác, đảm bảo chất lượng chiếu sáng và quan trọng các linh kiện hầu hết là do Việt Nam sản xuất", ông nhớ lại.
Kỹ sư Phạm Tài với đèn chiếu sáng LED áp dụng công nghệ Nano do mình sáng tạo. |
Khi thử nghiệm thành công, sáng tạo đèn chiếu sáng ngõ, xóm bằng đèn LED của kỹ sư Tài đã được lắp đặt cho 29 ngõ xóm ở 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn với tổng số bộ đèn được lắp đặt là 140. Qua 5 năm sử dụng, bộ đèn này đã chứng minh được tính hiệu quả khi ánh sáng đảm bảo, tính ổn định cao và tiết kiệm, được nhiều nhà khoa học đánh giá cao, vì đây là công trình lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, trở thành giải pháp thay thế mới trong việc chiếu sáng công cộng, có tính ứng dụng rộng rãi.
Thực tế, đèn LED sử dụng công nghệ Nano tiết kiệm 40% công suất tiêu thụ so với đèn Compact, tiết kiệm 70% so với đèn Mercury 80W và 50% so với đèn Mercury 125W.
Không dừng lại ở đó, trong năm 2013, kỹ sư Tài thực hiện thành công đề tài "Đèn chiếu sáng vườn hoa 10W". "Hiện nay Đà Nẵng đang sử dụng hơn 2.000 bộ đèn chiếu sáng cho vườn hoa, công viên, tuy nhiên lại sử dụng công nghệ bóng đèn cũ nên rất tốn năng lượng, tác động tiêu cực đến môi trường, cũng như kinh phí bảo trì. Vì vậy tôi phát triển đèn LED công suất 10W.
Hiện nay, theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng, chúng tôi mới thực hiện thay thế 137 bộ đèn LED công suất 10W trong tổng số hơn 2.000 bộ chiếu sáng vườn hoa, công viên. Kết quả, 137 bộ đèn LED thay thế đã tiết kiệm được cho ngân sách hơn 7,5 triệu đồng/năm. Nếu như thay thế toàn bộ thì mỗi năm chúng ta sẽ tiết kiệm được hơn 113 triệu đồng.
Những bóng đèn LED được lắp đặt ở các điểm công cộng, dần thay thế cho các bóng đèn dùng công nghệ cũ ở Đà Nẵng. |
Vòng đời của đèn LED sử dụng tối thiểu là 3 năm, như vậy sẽ tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng. Từ thực tế đó, tôi có thể khẳng định đèn LED là giải pháp kỹ thuật thay thế tối ưu cho các loại đèn sử dụng công nghệ cũ, mà vẫn đảm bảo độ sáng. Hơn nữa, nó dễ sử dụng, hầu hết các vật tư lắp ráp đều có ở thị trường trong nước và tiết kiệm 50% công suất tiêu thụ điện", kỹ sư Tài quả quyết.
Sáng tạo đèn LED áp dụng công nghệ Nano của kỹ sư Tài từ lúc ra đời đã được rất nhiều tỉnh thành học tập và sử dụng trong việc chiếu sáng nơi công cộng ở các đô thị, trở thành giải pháp tối ưu trong việc tiết kiệm năng lượng. "Tôi vui và hạnh phúc khi sáng tạo của mình được áp dụng rộng rãi và giúp ích cho xã hội", người sở hữu 5 Bằng Lao động sáng tạo tâm sự và cho hay, ông chưa dừng lại tại đó, vẫn âm thầm tìm tòi, sáng tạo để có những sản phẩm mới mang lại lợi ích cho xã hội.
Hoàng Anh