Báo Công An Đà Nẵng

Gặp gỡ tại ngày hội sách Đà Nẵng 2018

Thứ bảy, 21/04/2018 13:02

Chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 và ghi nhận những đóng góp của các tác giả văn học tại Đà Nẵng, sáng 20-4, Liên hiệp các Hội VHNT, Hội Nhà văn thành phố phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm văn học Đà Nẵng 2017-2018. Theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng: "Năm vừa qua, Hội Nhà văn Đà Nẵng có 26 tác giả với 35 đầu sách xuất bản. Trong đó, có nhiều tác giả có tác phẩm được tái bản nhiều lần, có tác giả ấn hành cùng thời điểm từ 2-3 tác phẩm, đồng thời nhiều tác phẩm đã đoạt được các giải thưởng lớn trung ương và địa phương, tạo dư luận tốt với  bạn đọc. Dịp này, chúng tôi tổ chức buổi sinh hoạt nhằm giới thiệu, tôn vinh những tác giả văn học, những "phu chữ", đã âm thầm sáng tạo nên những tác phẩm văn học cho chúng ta trong năm qua".

Bạn đọc tham quan, đọc sách tại Ngày hội Sách Hải Châu lần thứ 4.

Tại buổi giới thiệu, Ban tổ chức mời một số tác giả tiêu biểu chuyện trò, giao lưu cùng bạn đọc về tác phẩm mới nhất của mình. Nhà văn Phạm Phát, với Tập truyện ký Trầm (NXB Hội Nhà văn) gồm 22 câu chuyện viết về cuộc đời của những người gắn với những thăng trầm không thể xóa nhòa của dân tộc. Năm nay, nhà văn Phạm Phát đã ngoài tuổi 80, nhưng ông vẫn là cây bút sung sức, giọng văn chắt lọc, súc tích, truyện của ông thường đưa người đọc quay trở về những kỷ niệm thời chiến tranh và thấm đẫm tình người sau cuộc chiến. Năm 2017, Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam  đã trao giải A cho tác phẩm Trầm. Chú hươu cao cổ trắng, sách dịch của nhà văn Bùi Xuân (Nxb Kim Đồng) là tập đầu tiên trong loạt truyện thám hiểm Châu Phi của nhà văn Lauren St John. Cuốn sách đã đoạt giải Sách thiếu nhi xuất sắc nhất của East Sussex năm 2008, giải thưởng danh giá Rebecca Caudillnăm 2010... Bùi Xuân cũng là tác giả có sách tái bản, xuất bản nhiều nhất trong năm qua, với 4 tác phẩm dịch, gồm tái bản 3 tập thơ dịch của nhà thơ Tagore Rabindranath: Bầy chim lạc, Mùa hái quả, Người thoáng hiện và tập truyện dịch của Lauren St John "Chú hươu cao cổ trắng". Hồi ức hạt bụi bay xa, tác phẩm chân dung văn học mới nhất của nhà văn Trần Trung Sáng (Nxb Đà Nẵng-tháng 4-2018) là một trong những tập sách thực hiện nằm trong kế hoạch "Tác phẩm được hỗ trợ phổ biến của tỉnh Quảng Nam năm 2017". Tập sách viết về 34 gương mặt văn hóa, văn nghệ xứ Quảng đã qua đời. Trong số họ, hầu hết là những người hoạt động văn hóa, sáng tác văn nghệ đã sinh ra, lớn lên và cống hiến sự nghiệp tại quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, hoặc từng có một quãng đời gắn bó để làm nên những công trình, tác phẩm tâm huyết tại miền đất nơi đây. Nhiều gương mặt trong tuyển tập là những tác giả rất nổi tiếng, có những đóng góp được công bố rộng rãi, được công chúng cả nước yêu mến. Nhưng cũng có một số gương mặt gần như bị lãng quên, hoặc lần đầu được nhắc đến...

Phơi cơn mưa lên chiều, tuyển tập thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh (Nxb Hội Nhà văn) với 45 thi phẩm, hầu hết viết về quê hương, tuổi thơ, về cha mẹ, tình yêu, tình bạn, về cuộc sống xung quanh mình, từ nông thôn đến thị thành... Tuy nhiên, theo nhận định của nhà thơ Thanh Quế: "Đối với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, chủ đề ấy là nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn có nhiều trạng thái. Đó là sự hoài nhớ khi xa quê cũ, người thân. Đó là nỗi bơ vơ trong "trời đêm cõi người", là sự lẻ loi "bên bờ sông vắng", là nỗi quạnh hiu khi con tàu đưa người yêu đi xa "bỏ quên tôi dưới mưa và bóng tôi" giữa sân ga cuộc đời, là sự trơ trọi khi một mình trong thăm thẳm thời gian, trong xô bồ cuộc sống để "mình tôi ngồi lại cùng tôi giao thừa". Có phải cô đơn quá, thấy thương mình quá, nên Nguyễn Ngọc Hạnh trở về bên dòng Vu Gia để cúi hôn mình trên sông, hôn nỗi cô đơn lặng thầm của đứa con xa quê trong nỗi nhớ mưa nguồn".  Chậm hơn sự dừng lại, tuyển tập thơ  của nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn (Nxb Hội Nhà văn) được giới chuyên môn đánh giá là mang tư duy của người làm thơ vào những bài ký. Anh có thao tác, tư duy của người làm nghiên cứu. Muốn cảm nhận "Chậm hơn sự dừng lại", phải đọc ở tâm thế thả lỏng, để mình trôi theo dòng cảm xúc, cảm nghĩ, tư duy của Trần Tuấn. Chia sẻ về thơ mình, Trần Tuấn nói: "Tôi viết thơ như viết truyện ngắn, có đầu, có cuối. Tôi làm thơ trong những lúc không tỉnh táo nhất. Tôi làm thơ trong bóng tối, trong những lúc lơ mơ, vô thức nhất. Tập thơ "Chậm hơn sự dừng lại" tôi viết nhiều về cái chết bởi chúng ta sống không thể thiếu cái chết được. Tôi chọn cách đối diện với cái chết"...

Trước đó, tối 18-4, Hội Sách Hải Châu lần thứ 4 khai mạc tại khu vực phía tây cầu Rồng với chủ đề "Đồng hành cùng phát triển" do UBND Q. Hải Châu phối hợp với Công ty CP Văn hóa Phương Nam tổ chức. Hội sách Hải Châu sẽ kéo dài đến ngày 22-4 với gần 200 gian hàng đến từ hơn 50 đơn vị xuất bản, phát hành sách trong và ngoài nước...

TRẦN TRUNG SÁNG