Báo Công An Đà Nẵng

Gặp gỡ "túy họa giang hồ" Trần Đạt

Thứ năm, 10/03/2016 09:07

(Cadn.com.vn) - Họa sĩ Trần Đạt không chỉ nổi tiếng vì từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Người vừa hát vừa vẽ tranh chân dung trong thời gian nhanh nhất" (2014),  mà anh còn được nhiều người biết và phong tặng danh xưng "túy họa giang hồ", bởi anh có lối vẽ tốc họa xuất thần, vừa giống vừa nhanh. Trong năm 2015, anh cũng là họa sĩ được mời tham gia Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Ấn Độ tại Ấn Độ vẽ giao lưu với các bạn nước ngoài. Gần đây nhất, Hãng Phim Truyền hình TPHCM (TFS) cũng đã thực hiện bộ phim tài liệu với tiêu đề "Họa sĩ Trần Đạt - tốc họa" (đạo diễn Trần Quốc Sơn)...

Họa sĩ Trần Đạt ký họa chân dung cho tác giả bài viết.

Tôi may mắn biết Trần Đạt qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Diệp Chí Huy trong một chuyến phiêu bạt giang hồ của anh tại Đà Nẵng. Cũng như mọi nơi chốn khác, Trần Đạt đi tới đâu vẽ tới đó, anh xem công việc này như "món quà lưu niệm" với những người quen biết. Anh từng thực hiện chân dung của những nhân vật nổi tiếng như: GS-TS Trần Văn Khê, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, nhà văn Tô Hoài, GS Vũ Khiêu, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Bùi Giáng, đạo diễn Lê Cung Bắc, nhạc sĩ Vũ Hoàng, ông Abhay Thakur (Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM)... Song những lần ghé lại Đà Nẵng, anh đều hào hứng, vẽ hàng chục chân dung các nhà thơ, nhà báo... và giao lưu với các họa sĩ trẻ.  

Trần Đạt là một họa sĩ có biệt tài vẽ ký họa chân dung vừa nhanh lại vừa bắt đúng cái thần của nhân vật. Gần như chưa nghe dứt một bài hát, người ngồi mẫu đã có thể có một bức chân dung thú vị. Tuy nhiên, điều rất lạ, là dù vẽ nhanh như vậy, nhưng từng đường nét, từng mảng tối sáng trong bức chân dung của Trần Đạt thường được trau chuốt cẩn thận, không để vương một chút cẩu thả nào. Theo anh, một bức ký họa chân dung thành công phải thể hiện được thần thái, tính cách, đặc trưng trên gương mặt của nhân vật. Bức tranh tạo ra sự gần gũi như thể nhân vật đang soi gương trong bức tranh. Thậm chí, có thể đó còn là lần đầu tiên nhân vật thích thú phát hiện ra một nét cá tính độc đáo mà xưa nay họ chưa biết tới ở bản thân. Muốn vẽ được một chân dung có hồn, có thần thái, dù là nét chì, đơn nét, đa nét thì chân dung đó mình phải nhìn thấy cái buồn vui rõ nét, ánh mắt phải thể hiện được điều đó.

Trần Đạt cho biết, anh không chính thức theo học vẽ trường lớp nào.  Hồi nhỏ có lẽ do quá say mê những tranh minh họa trong các cuốn sách Pháp, anh đã mày mò học cách quan sát, phối màu, ánh sáng và vẽ lại tất cả những tranh ảnh đó. Những năm đầu sau ngày giải phóng, anh bước vào công việc gần gũi với mỹ thuật bằng nghề vẽ pa-nô, quảng cáo. Về sau lập gia đình, anh bắt đầu chuyển sang trang trí nội thất.  Đến năm 1997, đột nhiên  một cơn tai biến ập đến làm cho nửa người anh bị liệt. Trần Đạt cho đó là một "dấu ấn định mệnh", thực sự thúc đẩy đời anh bước đến con nghệ thuật ký họa. Lần ấy, sau 6  tháng trong bệnh viện, anh rất buồn vì biết mình đã bị liệt bên tay trái, nhưng lóe lên niềm hy vọng vì tay phải của anh còn dùng để vẽ được.

Hơn 15 năm qua, Trần Đạt khẳng định: "Nghề vẽ chưa mang đến cho tôi tiền, chưa bao giờ tôi dùng vẽ để kiếm tiền".  Anh thường vẽ vì đam mê, anh vẽ cho người anh yêu mến, cho bạn bè, dùng với họ bữa cơm, chén rượu, rồi anh lại lên đường tiếp tục công việc của mình. Vẽ nhiều, nhưng anh chỉ vẽ khi có được cảm hứng, bắt được đúng "tần số" của người đối diện mới có được một bức tranh đẹp. Đôi lúc, có khi hơi men giúp anh tạo được những tác phẩm có giá trị.  Bởi thế, có lẽ  cái từ "túy họa" được gán ngay cho Trần Đạt từ đấy. Anh nói: "Người ta đặt biệt danh cho tôi là túy họa giang hồ vì tôi có khả năng túy họa, nhưng những bức tranh vẽ trong lúc mà mọi người tưởng tôi say ấy là lúc tôi hoàn toàn tỉnh táo đấy chứ. Thực ra chưa có bức vẽ nào tôi vẽ trong lúc say cả!". Anh nói thêm: "Để vẽ tranh ký họa chân dung nhanh, đôi mắt phải là chiếc máy chụp ảnh. Tôi thường quan sát kỹ về nhân tướng học trước khi đặt bút vẽ. Mình ấn tượng ở điểm nào đầu tiên thì đó chính là điểm nhấn để định thần nhân vật. Cứ thế mà bám vào để khắc họa. Khi vẽ, tôi hầu như nhìn vào nhân vật, ít khi nhìn vào bức tranh. Hoặc trò chuyện với nhân vật để khơi gợi ra nét cá tính".

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của Trần Đạt là lần anh được người bạn dắt đến gặp nhà văn Tô Hoài mà anh từng say mê qua tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" để vẽ chân dung cho cụ. Khi anh vẽ cụ dường như chẳng mấy quan tâm mà lo ngồi trò chuyện cùng mọi người xung quanh. Thế nhưng khi bức chân dung hoàn thành, không những cụ Tô Hoài khen đẹp  mà còn ghé vào tai anh nói nhỏ "Vẽ cho bà một tấm nhé!". Lần đến vẽ chân dung cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, Trần Đạt cũng không được ông chào đón nồng nhiệt lắm. Vậy mà  khi vừa  nhận được bức chân dung của mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên gọi con cháu nhanh chóng đến chụp ảnh. Ông đưa bức tranh thay cho gương mặt mình, như thừa nhận bức chân dung đó chính là ông. Đối với bức chân dung Giáo sư  Trần Văn Khê do Trần Đạt vẽ, nhạc sĩ đã thốt lên: "Thật không ngờ chỉ trong giây phút, họa sĩ Trần Đạt ghi lại một cách nghệ thuật thần sắc của tôi. Một bức họa mang tính chất tịnh. Mà bức họa này rất động và tôi không ngờ mình có nụ cười duyên dáng đến thế".

Năm 2013, Trần Đạt có cuộc triễn lãm tranh đầu tiên có tên "Danh nhân và bằng hữu" tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM với 120 tác phẩm chân dung được thể hiện bằng các chất liệu than chì, màu nước, sơn dầu... Dự định về tương lai, anh cho biết, có nguyện vọng  đào tạo một thế hệ đi sau để tiếp nối nghề của mình.

Trần Trung Sáng