Báo Công An Đà Nẵng

Gặp hậu duệ Hoàng nhứt tử của Vua Thành Thái

Thứ ba, 30/01/2018 17:00

Vua Thành Thái, tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, sinh ngày 4-3-1879, mất ngày 20-3-1954. Trị vì 19 năm (từ 1889) trong hoàn cảnh Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, Ngài đã có tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi lại nền độc lập cho dân tộc. Tuy lên ngôi còn tuổi thiếu niên (10 tuổi), nhưng Ngài đã có tính khí cương nghị và đầy lòng yêu nước. Vì vậy, dù ở ngôi Vua không bao giờ Ngài lấy làm vui sướng, mà luôn luôn suy tư với vận nước. Ngài đã tự giả dạng mất trí, che mắt thực dân Pháp và các hạng mãi quốc cầu vinh, để được tiếp cận dân chúng và các sĩ phu yêu nước mưu đồ đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho xứ sở.

Lo sợ về tư tưởng và hành động của Nhà vua, thực dân Pháp buộc ngài thoái vị ngày 3-9-1907. Sau 9 năm bị quản thúc tại Vũng Tàu, Ngài bị Pháp đưa ra lưu đày xa xứ ở đảo La Réunion (Madagascar, thuộc địa của Pháp) từ năm 1916 đến năm 1947. Sau đó, Ngài được nghinh đón trở về nước và sinh sống bình dị tại ngôi biệt thự ở đường Thành Thái, quận 5 đô thành Sài Gòn. Năm 1954 Ngài mất và được rước về yên nghỉ tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Đức Dục Đức), TT-Huế. Theo tài liệu hiện nay của ông Nguyễn Phước Bảo Hiến lưu giữ, vua Thành Thái có 43 người con.

Ông Bảo Hiến bên di ảnh vua Thành Thái.

Thành Thái nổi tiếng là một vị vua yêu nước, nhưng bên cạnh đó, ông cũng nổi tiếng là một vị vua đa tình, có rất nhiều vợ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, đến nay trong gia phả của Nguyễn Phước Tộc cũng chỉ nói chung chung chứ không có con số chính xác về các vị cung phi cũng như hoàng tử, hoàng nữ của vua Thành Thái. Bởi vậy, mới đây, trong dịp ghé Nha Trang, tôi thật bất ngờ khi  tình cờ được bạn bè giới thiệu gặp ông Nguyễn Phước Bảo Hiến, hậu duệ của vua Thành Thái, con trai của Hoàng nhứt tử Vĩnh Hy. Ông Bảo Hiến nguyên là thầy giáo dạy Toán ở trường Vạn Thạnh (nay là Trưng Vương) ở Nha Trang, đã nghỉ hưu. Đến thăm nhà ông, ngay ở gian phòng khách nhỏ hẹp, đã thấy gia đình  dành trên bờ tường vị trí trang trọng nhất trưng bày hình ảnh 13 vị vua và hoàng thân nhà Nguyễn. Cũng như vua cha Thành Thái, phần lớn các hoàng tử đều có nhiều vợ, nên dòng tộc chia ra nhiều chi, rất đông con cháu. Phụ thân của ông Bảo Hiến là Hoàng nhứt tử Vĩnh Hy, con trai trưởng của người vợ đầu tiên nhà vua là Hoàng phi Đỗ Thị Như Tâm,  hình thành nên chi 1 gồm 5 người vợ và 11 người con.  Là nhà giáo, lại là hậu duệ nhà Nguyễn, ông Bảo Hiến rất am hiểu về lịch sử 13 vị vua. Giới thiệu từng bức ảnh trên tường, ông kể chúng tôi nghe nhiều giai thoại thú vị về triều Nguyễn, về các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân... hầu như ít phổ biến rộng rãi trên sách báo. Ông nói: “Những gì tôi biết, chủ yếu là nghe ba tôi kể lại, rồi sau này tìm hiểu thêm. Chỉ tiếc khi ba mất, tôi còn nhỏ quá. Trước đây, ở Huế có Nguyễn Phước Bảo Hiền (anh em nhà chú bác với tôi) chăm lo việc hương khói và nắm giữ nhiều tài liệu về dòng tộc vua Thành Thái nay đã qua đời, giao lại công việc này cho hai cha con Bảo Khôi và Quý Hưng, chứ tôi không phải là người biết nhiều”. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên, sau lần đầu tiên gặp ông Bảo Hiến, về đối chiếu lại các trang web giới thiệu Gia phả hậu duệ vua Minh Mạng, Phả hệ tộc Nguyễn Phước, Phả hệ vua Thành Thái..., chúng tôi nhận thấy, trong số các hoàng tử của vua Thành Thái, không thấy nhắc đến Hoàng nhứt tử Vĩnh Hy (trong khi Hoàng trưởng tử Vĩnh Diệm được nhắc đến đầu tiên). Gặp lại ông Bảo Hiến, bày tỏ sự thắc mắc này, ông cho biết: “Trước kia có lẽ một vài người nào đó khi biên soạn Gia phả không có điều kiện thâu thập, tham khảo kỹ, nên trong các tài liệu đó thường bỏ sót, với lời chú thích: “Vua Thành Thái có rất nhiều con, chưa được khảo sát đầy đủ. Tên các hoàng tử và công chúa do các tài liệu ghi lại còn nhiều mâu thuẫn”. Do đó, về sau Hoàng tộc có họp lại và bổ sung đầy đủ hơn khi thực hiện quyển Phả hệ mới. Cụ thể, ông Bảo Hiến cho tôi xem quyển Phả hệ Nguyễn Phước tộc đệ tứ chánh hệ (năm 2003) ghi rõ danh sách gia đình của từng chi hệ. Ông Bảo Hiến cũng giải thích, Hoàng tử Vĩnh Hy thân phụ của ông là con trai đầu của Hoàng phi thứ nhất được gọi là Hoàng nhứt Tử, còn Hoàng tử Vĩnh Diệm là con trai đầu của Hoàng phi thứ hai được gọi là Hoàng trưởng tử, vì cả hai sinh cùng năm (1895). Sau này, Hoàng trưởng tử Vĩnh Diệm mất sớm, nên Phả hệ thể hiện Chi 1 rồi đến Chi 3, mà không có Chi 2... , Hoàng ngũ tử Vĩnh San (tức vua Duy Tân) thuộc Chi 5.  Sau khi về nước, vào năm 1953, vua Thành Thái trở lại  thăm Huế đã tập trung đông đủ con cháu tại đây để thăm hỏi. Lúc đó gia đình ông Bảo Hiến còn ở Huế, nên đã  được tham dự cuộc sum họp này. Đến năm 1957, ba ông chuyển vào Nha Trang làm đốc sự ở Tòa hành chính cho đến khi qua đời vào năm 1966.

Ông Bảo Hiến (thứ 1 từ trái sang) và con trai hoàng tử Vĩnh Chương (ngoài cùng bên phải, hiện sống ở đảo Réunion) cùng gia tộc tại lễ kỵ năm 2017.

Liên lạc với gia đình ông Nguyễn Phước Bảo Khôi (nay đã 90 tuổi, con trai Hoàng thập lục tử Vĩnh Lưu) tại Huế, con trai của ông Khôi là Quý Hưng cũng cho hay: “đúng là trước kia, không hiểu vì lý do sao đó mấy quyển Gia phả trước kia ghi sót rất nhiều người. Ngay cả ông tôi là Hoàng tử Vĩnh Lưu cũng không có tên, nay đã bổ sung đầy đủ. Hiện nay mỗi dịp kỵ giỗ ba vua (Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân) tại Huế, bà con trong dòng tộc vua Thành Thái về tham dự rất đông đủ. Những năm gần đây, có hoàng tử Georges Vĩnh San (con vua Duy Tân) cùng những người trong tộc họ trước kia sinh ra ở đảo La Réunion; gia đình anh Nguyễn Phước  Bảo Tài (con của hoàng tử Vĩnh Giu)... Mùa Xuân năm ngoái, bác Bảo Hiến từ Nha Trang có về đứng ra làm lễ”.

Được biết, trước kia, trên tạp chí Xưa & Nay số 246 (tháng 10-2005), cũng xảy ra một trường hợp rắc rối cho Hoàng tử Vĩnh Giu, khi in một bức ảnh chụp năm 1947 (không có ông Vĩnh Giu) tạo nên dư luận ý cho rằng: ông Vĩnh Giu tự nhận mình là hậu duệ của cựu hoàng Thành Thái! Theo đó, họ viện dẫn ra cuốn “Nguyễn Phước Tộc Ngọc Phả” trong chi hệ của Cựu hoàng Thành Thái không có tên Nguyễn Phước Vĩnh Giu. Về sau, ông Nguyễn Phúc Bảo Xướng cung cấp cuốn “Hoàng triều Thành Thái Ngọc phả” thay cho lời giải thích, thì sự việc mới sáng tỏ.

Sau mùa Xuân này, lễ kỵ  3 vua tại Huế sẽ diễn ra ngày 1-4-2018. Ông Bảo Hiến cho biết, dù đi đâu xa tôi cũng gắng về sum vầy với anh em họ hàng trong dịp này. Ông nói, trải qua gần một thế kỷ, những người con cháu trong dòng họ Nguyễn Phước sinh sống khắp nơi trong và ngoài nước dù  thành đạt hay khó khăn, vẫn luôn nhắc nhở nhau  gìn giữ cốt cách của hoàng tộc,  nguồn cội của mình và truyền thống khẳng khái của vị vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân...

TRẦN TRUNG SÁNG