Gặp lại những bông hoa một thời lửa đạn
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Ngô Thị Huệ (1942), người chị cả của cả nhóm cho biết: “Hồi chiến tranh, trong công tác cách mạng, việc ai làm nấy biết, không ai biết rõ công việc lẫn nhau... Sau này Bộ Công An cho giải mã vấn đề này, thì mọi người mới biết rõ tên tuổi và công việc đóng góp của chị em. Nhờ đó, chúng tôi có dịp tập hợp chị em trong ngành an ninh lại thăm hỏi, ôn lại kỷ niệm những việc xưa kia. Có lần, chúng tôi gặp lại cùng nhau trên 40 chị em, có cả các anh lãnh đạo ngành. Đây là dịp đề nghị “trả lại tên cho em”, vì thời kỳ bí mật đều không dùng tên thật”.
Chị Ngô Thị Huệ quê ở Xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. 14 tuổi, chị Huệ đã là nữ giao liên, thường xuyên dẫn đường cho cán bộ cơ sở, 16 tuổi được gia nhập Đội công tác cách mạng Bắc Hòa Vang. Suốt quá trình hoạt động, chị từng bị địch bắt tù đày, đánh đập, nhục hình đến tàn phế, nhưng chị đã rất kiên cường, gan dạ, giữ vững khí tiết của người cách mạng. Không khai thác đươc gì, cuối cùng, địch bất lực phải trả tự do cho chị. Năm 1969, trong một lần đưa cơ sở về căn cứ huấn luyện, chị Huệ bị máy bay ném bom, bị thương rất nặng nên được đưa ra miền Bắc và đưa sang nước ngoài chữa trị. Trong thời gian chị chữa bệnh ở Hà Nội, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thường xuyên thăm hỏi, động viên và nhận chị làm con gái nuôi. Năm 1971, chị được điều về Bộ Công an công tác, sau đó chuyển về Công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng cho đến ngày nghỉ hưu. Suốt quá trình hoạt động, chị đã trực tiếp gây dựng được 27 cơ sở cách mạng, trong đó có 4 cơ sở làm việc trong hàng ngũ của địch, 2 cơ sở tại đồng bào công giáo và 13 cơ sở hoạt động tại vùng nội thành; tham gia vào 4 trận đánh lớn, tiêu diệt được 8 tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân và phong trào cách mạng. Năm 1985, chị Ngô Thị Huệ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tuy nhiên, chị nói: “Không bao giờ tôi cho mình là anh hùng. Bởi đó là công sức của mọi người góp lại, giúp cho mình có trí tuệ, có nghị lực để thực hiện những công tác đem đến hiệu quả cho Đảng và Nhà nước”.
Một điều thú vị, trong những buổi họp mặt như thế này, khá gắn bó với chị Huệ, là chị Nguyễn Thị Thanh, thời hoạt động bí mật có tên là Như Huệ. Hỏi ra mới biết, thời mới tham gia cách mạng, chị được chính chị Ngô Thị Huệ giúp đỡ dìu dắt, xin gia đình cho chị theo đào tạo nghiệp vụ điệp báo. Chị đặt bí danh của mình là Như Huệ vì muốn được trở thành một mẫu người như chị Huệ : ý chí, bản lĩnh, gan dạ và tài trí. Chị Thanh là một trong những thành viên của đội nữ điệp báo thuộc Ban An ninh của Đặc khu Quảng Đà, từng tạo những chiến công vang dội trên đất Đà thành vào những năm còn độ tuổi thiếu niên cuối thập niên 60. Đặc biệt, đúng vào thời điểm địch đang mở chiến dịch Phượng Hoàng nhằm "vô hiệu hóa" bắt giam, chiêu hàng, giết, hoặc kiềm chế các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTGP) nằm vùng…, thì Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên phát hiện và chống trả kế hoạch đó một cách hiệu quả. Chị Thanh là người đã thực hiện một trong những chiến công truy tìm, tiêu diệt những tên tình báo Phượng Hoàng nguy hiểm góp phần đem đến thắng lợi to lớn, dẫn đến mùa xuân 1975.
Cách đây không lâu, vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập An ninh Quảng Đà, ông Vũ Xuân Bảo (còn gọi là Bào), nguyên Đại tá, Trưởng Phòng thi đua Sở Công an Hải Phòng (cách đây 20 năm) cho biết: “Tôi vào chiến trường từ năm Mậu Thân 1968, là cơ yếu của An ninh khu V (Bộ Công An), sau đó được phái về Đặc khu Quảng Đà, biên chế của Công an Đặc khu Quảng Đà. Trong quá trình những năm 68-70, chủ yếu chính là công việc cơ yếu làm mật mã, dịch rất nhiều các bức điện từ ngoài gởi vào, và từ Quảng Đà gởi ra. Nay vào lại, tôi rất vui mừng gặp lại anh chị em ngày xưa cùng chiến đấu gần nhau nay vẫn còn sống. Trong đó, các chị phụ nữ này là điệp báo. Mấy bức điện Bộ gởi vào cho biết địch chuẩn bị tấn công chỗ nọ chỗ kia, thì tôi phải báo cho Trưởng Ban An ninh (anh Hoàng Văn Lai) để lập tức cho các đồng chí chuyển đi khỏi vị trí ngay, thoát khỏi trận mưa bom tàn phá dữ dội . Tôi chỉ nhớ những chuyện đặc biệt thôi, không thể nhớ hết chính xác nội dung từng bức điện về việc này việc kia. Nhưng nói chung, trong ký ức tôi, nhiều trường hợp của các chị vào ra trong lòng địch, là hết sức tài tình, mưu trí, đã góp phần đem lại những chiến công to lớn …”.
Sau ngày hòa bình, qua bao thử thách nghiệt ngã, hầu hết các chị điệp báo còn sống sót đều tiếp tục tham gia công tác trong các lĩnh vực khác nhau cho đến ngày về hưu. Nay điều kiện rảnh rỗi, các chị lại thường xuyên dành thời gian gặp nhau thăm hỏi, chuyện trò, động viên nhau vui sống. Dịp Tết vừa qua, chị Bùi Thị Mai, quê Điện Tiến, Điện Bàn (Quảng Nam) còn tập hợp hoàn thành cho ra mắt tập thơ “Khúc giao mùa” bao gồm hơn 70 bài thơ chọn lọc. Trong đó, có những đoạn chị viết như là câu chuyện tự sự của những bông hoa điệp báo vẫn tâm tình nhau trong mỗi lần gặp gỡ: “Những dấu chân xoay tròn như một đời người/ Hết nắng lại mưa, hết ngày lại tối/ Vẫn vẹn nguyên đôi bàn chân dẫu đi trên con đường vạn lối/ Nay bình thản trở về tìm lại dấu chân xưa” (Dấu chân âm thầm).
Trần Trung Sáng