Gặp người cầm cờ năm ấy
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã đi qua tròn nửa thế kỷ. Trong cuộc đấu tranh chính trị vào TP Buôn Ma Thuột xuân 1968, sau khi bà Huỳnh Thị Hường (thường gọi là Má Hai, ở Khuê Ngọc Điền-H9 Krông Bông) đã anh dũng hy sinh. Một trong những người đã tiếp bước xông lên cầm cờ cùng đoàn biểu tình tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột là bà H Bă Brông (còn gọi là H Reo Bkrông, sinh năm 1946, hiện ở Buôn Ngô A, xã Hòa Phong, Krông Bông).
Bà H Bă Brông vui cùng các cháu. |
Bà H Bă Brông sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng (gia đình bà có 4 liệt sĩ và 2 thương binh). Năm 1962, sau khi vùng 4 B5 (tiền thân H.H9- Krông Bông) giải phóng, lúc ấy mới tuổi 16 nhưng bà đã xung phong thoát ly tham gia vào ban kinh tài Đắc Lắc, sau đó chuyển về Đội công tác xã Ea Knuêch (Krông Păk). Đầu năm 1968, bà được điều động về Ban Binh vận H9, cũng chính là lúc chuẩn bị diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Bà H Bă Brông kể: được sự phân công của tổ chức, đội công tác binh vận của bà gồm 10 người được chia làm hai tổ, mỗi tổ 5 người, tham gia làm nòng cốt trong đoàn đấu tranh chính trị cánh đông gồm đồng bào Kinh ở các dinh điền và đồng bào dân tộc Mơ Nông-Ê Đê ở H8-H9. Nhiệm vụ của ban binh vận là đi phía trước hô hào kêu gọi binh lính địch đầu hàng theo nội dung được chuẩn bị sẵn bằng song ngữ Kinh và Ê đê. Mỗi khi kêu gọi bằng tiếng Ê đê thì địch không hiểu nên không bắn, còn khi kêu gọi bằng tiếng Kinh, thì lập tức bị địch bắn nhưng nhờ có quần chúng đứng xung quanh nên bà thoát chết mấy lần. Ông Ama H Loan, nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Bông, lúc đó là đội trưởng đội công tác cho biết: sau hơn 4 ngày băng qua gần 70 km đường rừng, rạng sáng mồng 4 Tết, Đoàn biểu tình dừng lại củng cố đội hình ở buôn Kô Tam, sau đó tiếp tục đi đến khu chiêu hồi Tình thương (cách thị xã 9 km trên đường 21) thì bị chặn, lúc đó Ban binh vận kêu gọi binh lính đừng bắn vào bà con. Tuy nhiên, quân ngụy đã liều lĩnh dùng cả đại liên nổ súng bắn xối xả vào đoàn người đi đấu tranh, song vẫn không ngăn được bước tiến của đồng bào. Người trước ngã xuống, người sau tiến lên, sau khi Má Hai cầm cờ Mặt trận đi đầu đoàn biểu tình anh dũng hy sinh, rồi đến chị Hiền, chị Mười, chị H Lanh tiếp tục cầm cờ hy sinh, bà H Bă Brông trong Ban binh vận do ông chỉ huy, đã nhanh chóng giữ vững ngọn cờ xông lên phía trước, mặc dù địch bắn bị thương nhưng bà vẫn không hề chùn bước, dõng dạc hô vang kêu gọi binh lính địch đầu hàng...
Năm 1971, do sức khỏe yếu, bà trở về cuộc sống đời thường với tỷ lệ thương tật 32%, sau đó "bắt chồng" là ông Y Nguyên Niê nguyên là cán bộ trạm giao liên T53 Đắc Lắc (thương binh 45%). Những tưởng cuộc sống sẽ viên mãn với vợ chồng thương binh ấy, khi trong nhà có tiếng bi bô của đàn con trẻ, thế nhưng "bởi chiến tranh đâu phải trò đùa" khi ba đứa con gái sinh ra đều chết từ khi mới lọt lòng, đứa con thứ 5 sinh năm 1979 bị bệnh tâm thần do di chứng chất độc da cam. Mỗi khi con bỏ nhà đi lang thang, la hét, đập phá những người trong buôn, lòng bà lại quặn thắt. Suốt 17 năm con phát bệnh cho đến lúc qua đời, dường như chưa bao giờ bà có giấc ngủ ngon. Năm 2014, đứa con thứ tư cũng phát bệnh rồi qua đời, năm 2015, chồng bà cũng bỏ bà ra đi... Sự mất mát của ba người thân trong một thời gian ngắn đối với bà là nỗi đau quá lớn, tưởng chừng không vượt qua nổi.
Bà H Bă Brông tâm sự: "Mình đã sống qua 71 mùa rẫy, có những lúc đứng trước họng súng quân thù cận kề với cái chết, vẫn không sợ, nhưng trước nỗi đau liên tiếp vừa mất chồng, lại vừa mất con, mình buồn lắm, giờ đây đi ra, đi vào chỉ một mình trong ngôi nhà vắng lặng, may mà còn có con cháu thường xuyên lui tới thăm nom, cũng làm mình vơi bớt đi phần nào nỗi nhớ". Mặc dù rất khó khăn với đồng tiền trợ cấp thương tật ít ỏi của hai vợ chồng, bà vẫn dành một phần nuôi dưỡng hai đứa cháu mồ côi cha mẹ từ khi còn bế ngửa cho đến khi trưởng thành rồi dựng vợ, gả chồng cho chúng. Hiện sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa, song với những tình cảm của bà con trong buôn làng và sự quan tâm của nhà nước sẽ giúp bà có nghị lực vượt qua thương tật và nỗi đau mất mát.
Mai Viết Tăng