Gặp người "ôm bom hẹn giờ" trong chiến dịch Mậu Thân
Chúng tôi gặp ông Lê Nho Minh lần đầu ở quán cà-phê, nhờ cuộc hẹn của ông Lê Nguyên Hồng, một thành viên của Biệt động Đà Nẵng trong chiến tranh, hiện là một nhà quản lý doanh nghiệp kiêm Chủ tịch CLB bóng đá Quảng Nam. Ngồi chung bàn đều là những nhân vật một thời lừng lẫy. Ông Minh thong thả nhấp cà-phê, lâu lâu lại chen vào câu chuyện đôi điều cũ kỹ. Cho đến khi "chốt" cuộc hẹn, rằng tất cả sẽ kể về câu chuyện mà họ vừa là chứng nhân, vừa là nhân vật - Biệt động Đà Nẵng - thì mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía ông.
Nhóm sinh viên Đại học Phan Châu Trinh phỏng vấn cựu chiến sĩ biệt động Lê Nho Minh. |
Cậu bé tản cư trở thành chiến sĩ biệt động
Ông Lê Nho Minh sinh năm 1953, quê ở Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam, thuở nhỏ học ở trường Trung học bán công Ngô Đình Khôi (anh trai của Ngô Đình Diệm). Như bao đứa trẻ cùng thời, hằng ngày từ Điện Bàn qua Đại Lộc học, ông phải đi giữa những tiếng đạn bom, lúc ầm ào đồng loạt, lúc lẻ tẻ, nhiều phen sợ chết khiếp. Đến tháng 11-1963, anh em nhà Ngô Đình Diệm bị lật đổ, trường học mang tên Ngô Đình Khôi buộc phải đóng cửa. Lúc này, ông đang học dở lớp đệ lục (tương đương lớp 7 hiện nay), phải nghỉ. Sau đó, ông Minh về vùng giải phóng, tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tích cực sinh hoạt Đội và tham gia các hoạt động đấu tranh chính trị của Đội. Năm 1964, H. Điện Bàn mở lớp sư phạm cấp tốc ở làng Túy La, xã Điện Hồng, ông được chọn theo học lớp này.
Năm 1965, ngay khi đổ bộ vào Đà Nẵng, lính Mỹ hành quân càn quét khắp một vùng rộng lớn. Gia đình ông Minh phải sơ tán qua vùng Gò Nổi, sau đó tiếp tục sơ tán ra Đà Nẵng. Ở đây, để kiếm sống, ông đã phải làm hai việc cùng lúc. Sáng sớm đi bán bánh mì một mình, còn cả ngày thì cùng ông Hồ Quảng Nam mở lớp dạy cho con em vùng giải phóng tản cư ra đây. Rồi cơ duyên đến, ông được bà Trần Thị Yến và bà Hồ Thị Hạ (Thu) móc mối liên lạc để tham gia vào biệt động thành Đà Nẵng.
Ông Minh kể: "Sau khi đồng ý tham gia, tôi được giao liên bí mật đưa vào vùng giải phóng để học tập. Khi đi, chỉ mặc quần đùi, áo sơ-mi, đi bộ từ Miếu Bông, qua các thôn xã về đến Điện An, Điện Thọ. Chỗ học cực kỳ kín đáo, mỗi phòng học được che kín 3 phía, cách nhau một lùm cây, nên các học viên không nhìn thấy mặt nhau. Lúc tan học về, các học viên ai nấy đều phải đeo mặt nạ. Lớp học chỉ diễn ra trong ba, bốn ngày, nhằm tránh sự chú ý. Tuy vậy, tôi đã lĩnh hội được khá nhiều, sau này vận dụng vào hoạt động ở nội thành Đà Nẵng".
Ông Lê Nho Minh kể về tình huống ôm quả bom hẹn giờ đã kích hoạt. |
Trận đánh "toát mồ hôi"ở ngã ba Cai Lang
Trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, Lê Nho Minh được Biệt động Đà Nẵng giao nhiệm vụ đánh sập trạm biến thế ở ngã ba Cai Lang, nay là giao lộ Lê Duẩn - Điện Biên Phủ - Phan Thanh, TP Đà Nẵng. Đây là một khu vực nhạy cảm, khi trạm biến thế này bị đánh sập, sẽ khiến toàn bộ khu vực rộng lớn xung quanh mất điện, và tạo cơ hội để các lực lượng khác dễ dàng đánh chiếm các căn cứ địch. Để thực hiện nhiệm vụ, chiến sĩ Lê Nho Minh cùng một đồng chí khác trong tổ là Trần Thị Thanh, nhồi hơn 1kg thuốc nổ C4 vào hộp sữa bằng nhôm, đặt kíp nổ hẹn giờ. Để ngụy trang, cả hai cùng đến địa điểm bằng chiếc xe Cub, đóng giả đi chợ về, trên tay xách một cái giỏ nhựa. Lon thuốc nổ đựng trong đó được che đậy bằng mớ rau muống.
Theo dự tính, đường từ vị trí xuất quân đến đến trạm biến thế ở ngã ba Cai Lang chỉ khoảng 5 phút. Để bảo đảm an toàn, kíp nổ được hẹn giờ phát nổ sau 30 phút. Cả hai ung dung ôm bom đến địa điểm. Nhưng một tình huống bất ngờ xảy ra: Kẹt đường! Đó là chiều 30 Tết, hàng nghìn người hối hả trở về nhà, đường phố trở nên chật cứng. Chen lấn trong dòng người ấy, hai chiến sĩ biệt động tưởng như có thể nghe được từng nhịp thời gian đếm ngược của quả bom hẹn giờ. Lúc này, không còn cách nào khác, cả hai quyết định quay ngược đầu xe, đến địa điểm theo lộ trình khác, mặc dù việc này cũng nguy hiểm không kém gì ôm bom trong dòng người đông cứng, bởi đường mới chưa được khảo sát, bất trắc khó lường.
May thay, Lê Nho Minh và Trần Thị Thanh cũng kịp đến ngã ba Cai Lang. Chỉ còn vài phút nữa là quả bom phát nổ. Dừng xe lại ven đường, Lê Nho Minh ôm theo quả bom, chạy nhanh đến trạm biến áp, đặt xuống. Để tránh bị nghi ngờ, sau khi đặt bom, ông không rời ngay, mà đứng lại làm động tác như tiểu tiện, kín đáo đảo mắt xung quanh xem có biểu hiện bị lộ hay không. Khi đã bảo đảm "an toàn" cho quả bom, ông tiến nhanh về phía xe máy, cùng đồng đội rời đi. Khi cả hai vừa rời khỏi, một tiếng nổ vang rền, trạm biến áp ngã ba Cai Lang bị đánh sập hoàn toàn, gây mất điện cả một khu vực.
Người tù trẻ ở Côn Sơn
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh sập trạm biến áp ngã ba Cai Lang, Lê Nho Minh và Biệt động Đà Nẵng đã bước vào một trận chiến dữ dội ở nội thành Đà Nẵng, tuy có giành được một số thắng lợi nhưng cũng thiệt hại nặng nề. Sau chiến dịch Mậu Thân, trước sự bố ráp khốc liệt của quân thù, ông buộc phải rút về sống lẫn với dân cư ở làng cá ven biển. Đến Tết Kỷ Dậu năm 1969, Biệt động Đà Nẵng tiếp tục tổ chức các trận đánh ở nội thành, nhằm uy hiếp, tiêu hao sinh lực địch. Trong đó, có các tổ biệt động đánh vào nhà máy điện Liên Trì và Ty Gia Long, nhưng chưa thắng lợi. Rất nhiều đồng chí đã bị lộ và bị bắt, ông Minh cũng bị bắt sau đó, khi đang dạy học tại nhà cùng Hồ Quảng Nam.
Sau khi bị bắt, địch giải ông về Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình, một tuần sau đưa vào Ty Gia Long, tiếp tục được thẩm vấn. Tại đây, ông bị tra tấn đánh đập liên tục. Ông Minh nhớ lại: "Có trận, nó bắt tôi để một chân lên chiếc ghế đẩu, rồi dùng thanh sắt giường bố của Mỹ đánh vào ống khuyển. Mỗi buổi đánh một chân, đánh xong chỉ có thể bò đi. Có lần, một tên vừa tra tấn vừa nói: "Chú đánh cho cháu hư chân không làm Việt Cộng nữa". Lần đó, tôi bò lết ngoài sân, một cái rễ bàng cao chừng 20cm mà không bò qua nổi. Một tên lính thấy vậy, giơ chân đá vào hông, tôi lăn qua luôn!". Tháng 7-1969, Lê Nho Minh bị kết án 15 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo. Năm đó, Lê Nho Minh 18 tuổi...
Bây giờ, ông Lê Nho Minh đã 65 tuổi. Ông vẫn coi mình là người may mắn, bởi lẽ đã có một tuổi trẻ sôi động, dù đớn đau không ít nhưng vẫn còn sống sót qua cuộc chiến và chứng kiến ngày tháng hòa bình. Lúc chia tay, ông dặn chúng tôi, biệt động Đà Nẵng rất nhiều đồng chí lẫy lừng, bản thân ông chỉ là một thành viên, có tham gia vài trận đánh nhưng vẫn không thể gọi là chiến công gì ghê gớm. Dẫu vậy, ông vẫn mong rằng, câu chuyện của Biệt động Đà Nẵng, bằng cách nào đó, được ghi lại như một phần lịch sử của thành phố Đà Nẵng.
KIM YẾN