Gặp nhân chứng siêu bão Haiyan
(Cadn.com.vn) - Siêu bão Haiyan đã làm thay đổi hoàn toàn thời cuộc, biến họ thành người trắng tay. Tết Giáp Ngọ là cái Tết mà 3 cư dân Khánh Hòa trở về từ Tacloban (Philippines) với những ký ức kinh hoàng khó có thể xóa nhòa…
Ký ức Tacloban
3 người trở về từ Tacloban là Nguyễn Hữu Cư, Trương Quang Sỹ và Nguyễn Hữu Đức, đều là cư dân Khánh Hòa. Sau thời gian dài làm việc nơi đất khách quê người, đây là mùa Xuân đầu tiên họ trở về ăn Tết trong khối ký ức về sự hủy diệt.
Tháng 11–2013, siêu bão Haiyan quét ngang Tacloban, cuốn theo toàn bộ cơ ngơi của họ xuống đáy biển. “Chúng tôi tìm về khu chợ nơi có gian hàng của mình thì hoàn toàn không còn tìm thấy dấu vết nào. Từ trên núi xuống đến khu dân cư, hình ảnh đầu tiên và bao trùm mà chúng tôi chứng kiến là xác chết và xác chết. Cho đến nay, đó vẫn là những ký ức cuối cùng của chúng tôi tại Philippines”, anh Đức kể trong nỗi bàng hoàng.
Trong tâm trí của 3 người, đảo Tacloban có khoảng 3.000 cây dừa với món rượu dừa độc đáo, làm say lòng bất kỳ ai thưởng thức. “Công đoạn chế tạo rượu dừa không chỉ kỳ công mà còn tốn nhiều thời gian. Người dân phải chuẩn bị từ lúc trái dừa chưa lớn, chặt bỏ phần dưới của trái dừa, gắn và cố định ống tre với trái dừa bằng mủ cao su, cuối cùng là chờ đợi cho chất của cốt dừa chảy vào trong ống. Phải thực hiện công đoạn này ở hàng ngàn cây dừa trên đảo mới có thể cho ra khối lượng cốt dừa tương đối lớn. Đây là loại thức uống in đậm nhất trong tâm trí của chúng tôi. Song bây giờ chúng đứng ở vị trí xếp sau siêu bão”, anh Cư trầm ngâm hồi tưởng.
Trong lần tìm gặp hai anh Nguyễn Hữu Cư và Trương Quang Sỹ, chúng tôi tình cờ gặp anh Phan Hữu Lượng, một cư dân khác cũng trở về từ Philippines do ảnh hưởng của siêu bão Haiyan. Anh Lượng đã từng sinh sống tại thủ đô Manila 13 năm, thường xuyên làm việc tại Tacloban. Anh nhớ lại: “Cộng đồng người Việt tại Tacloban có khoảng 182 người, sống rải rác tại nhiều vị trí và làm nhiều việc khác nhau trên đảo. Người Việt tại Tacloban sống hòa đồng với dân bản địa vì họ vui vẻ thoải mái. Chính vì vậy, sau khi Tacloban bị hủy diệt bởi siêu bão Haiyan, chúng tôi thấy như chính người thân của mình gặp nạn vậy”.
Nguyễn Hữu Cư và Nguyễn Hữu Đức chuyện trò tại nhà riêng. |
Xuân này Tacloban ra sao?
Đây là câu hỏi lớn nhất không chỉ của anh Cư, anh Sỹ, anh Lượng, anh Đức mà còn của những người từng gắn bó với cư dân đảo dừa Tacloban khi Xuân Giáp Ngọ về. “Cứ mỗi khi Tết sắp đến, tôi thường dựa theo những cuộc điện thoại từ vợ mình ở Việt Nam, rồi cứ theo đó mà đếm lịch tính dần. Đến đêm 30, sáng mồng 1 thì làm mâm cỗ hoặc gói ít bánh tét, bánh chưng dâng lên bàn thờ tổ tiên để lễ bái, chứ không được nhộn nhịp và nghỉ dài như ở Việt Nam. 7 lần đón Tết trên đảo Tacloban đã trôi qua như thế. Không biết Xuân Giáp Ngọ này, người Việt tại đây sẽ đón Tết ra sao sau bão Haiyan”, anh Cư bồi hồi.
Những người Việt xa quê từ lâu đã coi Tacloban là quê hương thứ hai của mình. “Đó là nơi chúng tôi làm ăn 7-8 năm nay. Có biết bao bạn bè và người thân ở đó, người Việt có, người Phi có. Tết Dương lịch năm nào cũng vậy, bạn bè phụ giúp nhau chuẩn bị Tết cho các gia đình láng giềng, bất kể người Việt hay người Philippines. Đặc biệt, vào những dịp người Philippines kỷ niệm thành lập các đơn vị hành chính theo các cấp tỉnh, huyện, làng… đều tổ chức tiệc linh đình. Bất kỳ ai đi ngang trước cửa nhà đều sẽ được gia chủ mời vào ăn tiệc, chung vui mà không hề ngại ngần gì. Năm nay, chắc chắn lễ tết sẽ ảm đạm lắm”, anh Lượng dự cảm.
Năm 2014, cả ba anh Nguyễn Hữu Cư, Trương Quang Sỹ và Nguyễn Hữu Đức lên kế hoạch sẵn sàng trở lại Tacloban. Ký ức đau thương cũng đã mờ nhạt dần. Khi rời Tacloban cả 3 người đều nhận được sự giúp đỡ rất lớn của người Philippines bản địa. Họ muốn trở lại Tacloban không chỉ vì mưu sinh mà còn vì tình người sâu đậm, gắn bó, vì muốn cùng người dân Tacloban vượt qua thảm nạn, xây dựng, kiến tạo lại đảo, cho những lễ hội rộn ràng, đầm ấm hơn...
Đức Thọ