Gặp những người từng "gặp" Đờ-Cát
Bắt sống Đờ- Cát
(Cadn.com.vn) - Ở thôn 8, xã Nga Hưng, H. Nga Sơn (Thanh Hóa), ai cũng biết một nhân chứng lịch sử đã tham gia bắt sống tướng Đờ-Cát vào chiều 7-5-1954. Đó là Tiểu đoàn trưởng Đào Văn Hiếu. Đến thăm nhà ông những ngày này, ông biết ngay là chúng tôi hỏi về những ngày ở Điện Biên Phủ. Ở cái tuổi 80, trông ông vẫn khá khỏe khoắn, minh mẫn. Ông nhớ lại: "Tôi ở Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312. Ngày đầu tiên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là đánh vào cứ điểm Him Lam rồi đến các cứ điểm E1, D2, 105A, 106. Cả đơn vị lúc đó có hơn 160 người đến khi nhận được lệnh bắt sống Đờ- Cát vào 4 giờ chiều ngày 7-5 thì còn lại được 5 người: Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, Nghĩa Lam, Hoàng Đặng Vinh, Bùi Văn Nhỏ và tôi. Khi đến cầu Mường Thanh thì cả 5 người bị khẩu 14 ly 5 (loại 4 nòng) của địch bắn chắn ngay cầu không cho sang. Nhưng sau đó, được sự hỗ trợ hỏa lực từ khẩu DKZ và một khẩu đại liên của quân ta bắn trả, rất nhanh cả 5 người lọt sang qua cầu và tiến vào khu vực được coi là trung tâm đầu não của địch".
Ông Hiếu kể tỉ mỉ từng chi tiết buổi chiều định mệnh: "Trong lúc khói đạn mịt mù, không biết tìm căn cứ ẩn nấp của tướng Đờ-Cát ở đâu thì may thay chúng tôi bắt được một tên lính Pháp và bắt nó chỉ điểm sở chỉ huy. Theo hướng tay của tên lính, chúng tôi thấy một ụ đất cao nằm ở phía Tây, xung quanh kín mít. "Hiếu, Lam tấn công cửa phía bắc, Luật, Vinh và Nhỏ tấn công cửa phía nam, dùng lựu đạn, thủ pháo và tiểu liên tiêu diệt hai ụ pháo ở hai đầu hầm xuống bắt sống tướng Đờ-Cát", câu mệnh lệnh của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật vừa dứt thì chúng tôi chia làm hai hướng tấn công vào sào huyệt của địch. Sau khi công phá được hai ụ pháo hai bên cửa, chúng tôi ập vào và thấy 34 sĩ quan của Pháp và tướng Đờ-Cát ú ớ bất động. Vì bọn chúng là người Pháp nên Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã dùng tiếng Pháp nói với chúng đại ý là "bỏ súng xuống, giơ tay lên, các ông đầu hàng đi, các ông thua rồi". Và thế là tướng Đờ-Cát cùng 34 sĩ quan Pháp giơ hai tay từ từ chui lên khỏi hầm".
Cựu binh Điện Biên Phủ Đào Văn Hiếu.
Hỏi cung Đờ-cát
Ông Nguyễn Xuân Tính (1930) quê Đông Sơn (Thanh Hóa), hiện trú tại P. Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An) là một trong những người tham gia hỏi cung đoàn tướng tá bại trận của quân đội Pháp trên chiến trường Điện Biên.
Ông Tính nhớ lại, lúc bấy giờ ông ở Đại đoàn 312, được phân công làm Tiểu đội trưởng, cùng một đại đội với anh hùng Phan Đình Giót, người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Ông Lê Trọng Tấn lúc ấy là Tư lệnh Trưởng Đại đoàn 312, một người rất giỏi tiếng Pháp đã cho Đờ-Cát và các sĩ quan thuộc quyền của ông ta ngồi xuống nhưng chỉ có một mình Đờ-Cát ngồi. Thấy vậy, ông Lê Trọng Tấn nhắc lại: "Tôi cho phép tất cả các ông được ngồi". Một viên sĩ quan liền nói: "Thưa ngài! Thiếu tướng của chúng tôi chưa cho phép ngồi". Tư lệnh Trưởng Đại đoàn 312 nói: "Không còn tướng tá nào ở đây nữa. Tất cả các ông đã là tù binh nên mọi mệnh lệnh của chúng tôi, các ông đều phải chấp hành". Lúc đó, tất cả đều ngồi xuống.
Cựu binh Điện Biên Phủ Nguyễn Xuân Tính ghi lại những hồi ức.
Ông Nguyễn Xuân Tính nhắc lại một số tình huống cán bộ ta thẩm vấn tướng Đờ-Cát: "Ông và Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố "Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm" và chính ông đã cho rải truyền đơn mời chúng tôi vào chơi trong cái bẫy giăng sẵn của ông ở Điện Biên Phủ. Nay ông nghĩ thế nào?". Đờ-Cát chua chát trả lời: "Vâng! Hôm nay chúng tôi đã được gặp các ngài". Cán bộ ta lại hỏi: "Ông đã nhận được lệnh của Đại tướng Na-va cho phép phá vây chạy sang Lào, sao các ông không thực hiện?". Đờ-Cát lại chua chát đáp: "Các ngài đã thắt chặt vòng vây và bố trí lực lượng đón lõng nên chúng tôi không thể mạo hiểm". Cán bộ ta hỏi: "Không phá vây nghĩa là các ông phải chịu thất thủ, các ông biết điều đó từ khi nào?". Đờ-Cát trả lời: "Khi các ngài cho nổ khối bộc phá lớn ở đồi A1 và khi cho dạo dàn nhạc Xờ-ta-lin (hỏa tiễn Cachiusa) thì chúng tôi biết giờ thất thủ đã đến".
Trước khi phân loại, tách các đối tượng để giải về nơi quy định, cán bộ ta hỏi: "Để khỏi mang danh là viên tướng nòi của một cường quốc bị bắt sống nên Bộ tổng chỉ huy của các ông đã điện yêu cầu ông tự sát, nước Pháp sẽ tri ân và suy tôn ông là anh hùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông đã hứa tuân lệnh và gửi lời chào vĩnh biệt, sao ông không thực hiện?". Đờ-Cát phân trần: "Vì tôi thấy mình phải có trách nhiệm ở lại với hàng ngàn thương binh và hàng vạn binh sĩ dưới quyền để chia sẻ và chịu chung số phận với họ".
C.K- P.T