Gặp "Rô-bin-sơn" giữa lòng hồ Khe Diên
Rũ bỏ quá khứ không vui, ông Mai Văn Hào (1959) chọn một đảo hoang giữa lòng hồ thủy điện Khe Diên (xã Quế Ninh, H. Nông Sơn, Quảng Nam) để sinh sống. Hằng ngày, ông chèo ghe, thả lưới đánh bắt cá; người bạn đời của ông là bà Nguyễn Thị Ba (1965) vào rừng đốn chuối cây, hái rau về chăn nuôi gia súc, gia cầm... Điều đáng nói, gần 15 năm sinh sống ở đây, ông Hào được xem là "tai mắt" của lực lượng Kiểm lâm, Công an trong công tác bảo vệ rừng.
Căn nhà của ông Mai Văn Hào nằm trên hòn đảo giữa lòng hồ thủy điện Khe Diên. |
Ngôi nhà trên đảo hoang
Như đã hẹn trước, một ngày đầu tháng 5, theo con đường Đông Trường Sơn mới mở đầy nắng gió, chúng tôi đến khu vực lòng hồ thủy điện Khe Diên. Đón chúng tôi trên chiếc thuyền nhỏ, ông Mai Văn Hào không quên dặn chúng tôi mặc áo phao vào. Chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt hồ để vào ngôi nhà giữa đảo. Vừa đi, chúng tôi nhận thấy dấu vết của vụ phá rừng quy mô lớn của 13 năm trước vẫn còn hiện hữu. Những gốc cây cổ thụ xám đen màu thời gian nhô lên khắp mặt nước. Còn nhớ năm 2007, lợi dụng thủy điện Khe Diên tích nước, nhiều cán bộ câu kết với các đối tượng khai thác tận thu theo kiểu "tận diệt" hàng trăm héc-ta rừng. Sau khi vụ án trên bị phanh phui, hàng chục đối tượng liên quan được đưa ra xét xử, tuyên án... Trải qua nhiều năm, ngày nay dưới sự quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt của các lực lượng chức năng, màu xanh của núi rừng nơi đây đã dần trở lại.
Thuyền vừa cập vào bến, ông Hào vui vẻ mời chúng tôi lên nhà với câu nói đầy thú vị: "Chúc mừng đã đến với đảo hoang của Rô-bin-sơn". Nói là đảo hoang cũng đúng, bởi nơi đây không sóng điện thoại, không điện, bị cô lập giữa lòng hồ và không có nhà dân nào khác. Nước sinh hoạt, nấu ăn cũng được ông lấy từ dưới lòng hồ lên dùng. Dù giữa lòng hồ, tứ bề là nước, quanh đảo cây cối mọc um tùm thế nhưng cái nắng của những ngày đầu tháng 5 vẫn hừng hực. Để khách đỡ nóng, ông vội ra sau nhà đề chiếc máy nổ nhằm phát điện. Máy quạt bắt đầu chạy. Bên trong ngôi nhà gỗ, ông Hào tâm sự về cuộc đời của mình cũng như cái duyên gắn với căn nhà trên đảo hoang này.
Ông Mai Văn Hào chèo thuyền đưa P.V vào căn nhà của mình giữa đảo. |
Ông Hào cho biết, ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Cù Vân (H. Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Tháng 5-1978, ông lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, được tổ chức điều về Đại đội Đặc công thuộc Tiểu đoàn 106, Quân khu I. Với cấp bậc Thiếu úy, Đại đội phó Đại đội 01, ông Hào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày 17-2-1979, khi quân Trung Quốc xâm lược nước ta, ông đã chiến đấu với kẻ thù tại đồi 690, thuộc khu vực hang Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng). Sau khi đẩy lùi kẻ thù về bên kia biên giới, ông trở về đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện và sản xuất. Tháng 5-1982, ông xuất ngũ về quê lập gia đình.
Do kinh tế gia đình bấy giờ gặp nhiều khó khăn, năm 1990, ông quyết định "vào Nam" để lập nghiệp. Khoác lên mình chiếc ba-lô của người lính năm xưa, ông nhảy tàu vào đến Quảng Nam rồi ngược lên "thánh địa vàng" Phước Sơn để mong đổi đời. "Mải mê chạy theo cơn lốc tìm vàng, đến năm 1997, trong một đêm nằm mộng, tôi thấy vợ ở quê đã phụ mình. Với linh tính không hay, ngay sau đó tôi về quê và sự thật giống y trong mơ. Không thể chấp nhận người vợ đã thay lòng đổi dạ, tôi quyết định ly hôn, dàn xếp chuyện gia đình rồi sau đó trở vào bãi vàng Phước Sơn. Lúc này, tôi tự nhủ khi nào làm ăn khấm khá mới trở về quê đưa các con vào ở với mình. Sau nhiều năm cật lực, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người, tôi đào trúng vỉa vàng 4 ký. Khi đã có tài sản trong tay, tôi trở về quê với ý định đưa 3 đứa con vào đây sinh sống. Nhưng lúc này các con không muốn đi xa, muốn ở với mẹ nó, còn tôi thì không muốn nhìn thấy người vợ phụ bạc nên quay trở vào Quảng Nam"- ông Hào chậm rãi kể lại.
Hằng ngày, buổi chiều ông Hào đi thả lưới, đến sáng hôm sau bà Ba chèo ghe đi lấy cá. |
"Tai mắt" của lực lượng chức năng
Vào lại Quảng Nam thời gian, ông nhận thấy nghề làm vàng như một canh bạc, nguy hiểm luôn rình rập và tệ nạn xã hội bủa vây, tiền vàng không người quản lý phút chốc cũng tiêu tan. Năm 2001, ông quyết định rời bỏ bãi vàng. Thông qua mối quan hệ xã hội, ông Hào vào sinh sống tại xã Quế Lộc (H. Quế Sơn, Quảng Nam) và làm công cho các chủ rừng. Đến năm 2006, khi dự án thủy điện Khe Diên được triển khai, ông Hào đến chọn cho mình một quả đồi giữa núi rồi dựng lều (thuộc xã Phước Ninh, H. Nông Sơn) làm nghề đánh bắt cá. Trong thời gian mưu sinh tại đây, ông Hào gặp bà Nguyễn Thị Ba (trú xã Phước Ninh) rồi đem lòng thương mến và đưa bà về ở với mình trong căn nhà gỗ trên đảo hoang. "Hàng ngày tôi đi đánh bắt cá, còn bà Ba vào rừng chặt chuối cây, hái rau về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khi cá nhiều thì bà đem ra chợ bán. Cuộc sống từ ngày có bà trở nên sung túc, đầy đủ, vui vẻ hơn. Chúng tôi tâm sự những lúc vui buồn và giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi ốm đau..."- ông Hào chia sẻ.
Điều đáng nói, căn nhà của ông Hào tuy không lớn nhưng nằm giữa lòng hồ, là trung tâm, cửa ngõ để vào các khu rừng đầu nguồn thủy điện Khe Diên. Vì thế, mỗi khi có đối tượng lạ xâm nhập đều không qua mặt được "người canh giữ" này. Đây cũng là điểm dừng chân và là nơi hội họp bàn phương án truy quét các đối tượng khai thác gỗ trái phép của cán bộ, nhân viên kiểm lâm Nông Sơn và Khu bảo tồn voi Nông Sơn.
Vốn là lính đặc công, quen với sông nước, ông Hào được Kiểm lâm tin tưởng giao bảo vệ chiếc ghe máy và có nhiệm vụ lái thuyền đưa các đoàn đi tuần tra bảo vệ rừng. Ngoài ra, ông còn là "tai mắt", là cánh tay nối dài của lực lượng Kiểm lâm, Công an, góp phần bảo vệ ANTT ở khu vực. "Với công việc của người đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện, nhiều năm qua chú Hào đã phát hiện nhiều vụ vi phạm lâm, hải sản, qua đó kịp thời báo cho lực lượng chức năng đẩy đuổi, xử lý. Là người nhiều năm gắn bó với khu vực này, chú được kiểm lâm tin tưởng, giao nhiệm vụ bảo vệ phương tiện tuần tra và chuyên chở các tổ công tác vào rừng làm nhiệm vụ. Không chỉ thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, chú còn tích cực tham gia phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ các cánh rừng tự nhiên đạt hiệu quả"- đại diện Hạt Kiểm lâm H. Nông Sơn cho biết thêm.
BÃO BÌNH