Báo Công An Đà Nẵng

Gấp rút cho năm học mới

Thứ năm, 11/08/2016 11:41

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gấp rút mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để chuẩn bị bước vào năm học mới 2016-2017. Thông qua nhiều chương trình, dự án, kết hợp với các nguồn lực của địa phương, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, không chỉ đáp ứng ngày càng tốt điều kiện dạy học, mà còn hướng đến chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Trang thiết bị phục vụ dạy học được các địa phương, trường học quan tâm đầu tư, mua sắm phục vụ cho năm học mới.

Ưu tiên xây dựng ở các địa bàn miền núi

So với nhiều tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ, Quảng Ngãi có điều kiện KT-XH khó khăn. Quảng Ngãi có đến 6 huyện miền núi nằm trong 63 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước và 1 huyện đảo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỉnh luôn dành ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được địa phương quan tâm hàng đầu.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT hiện đang nỗ lực để khắc phục tình trạng phòng học tạm, xuống cấp. Theo đó, UBND tỉnh đã đầu tư 50 tỷ đồng để thực hiện đề án, dự án phát triển giáo dục. Từ nguồn kinh phí này, ngành GD-ĐT đang triển khai mua sắm thêm thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy ở các cấp học trong năm học mới.

Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Trưởng Phòng GD-ĐT H. Đức Phổ - Nguyễn Văn Bảy cho biết, chuẩn bị cho năm học 2016 - 2017, UBND H. Đức Phổ đã được đầu tư 11 tỷ đồng để xây dựng mới 25 phòng học, phòng hiệu bộ; đầu tư mua sắm thiết bị bổ sung các các trường học nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học của học sinh và giáo viên.

Là một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nhưng H. Ba Tơ đã bố trí 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục để sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp học và mua sắm các thiết bị để kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học mới. UBND huyện cũng đầu tư kinh phí xây dựng 8 phòng học thay thế các phòng học đã xuống cấp, phòng học tạm ở các điểm trường trên địa bàn xã Ba Trang, Ba Khâm.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hà - Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Quảng Ngãi), so với các bậc học phổ thông, trong thời gian qua, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp của bậc mầm non tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư phát triển mạnh. "Từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện đầu tư xây dựng 308 phòng học còn thiếu của mẫu giáo 5 tuổi. Đến nay, đã xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng 190 phòng và 60 phòng vẫn đang tiếp tục thi công, dự kiến đầu năm học mới sẽ có 27 phòng được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, số phòng còn lại tiếp tục được bố trí đầu tư trong năm 2016, trong đó từ nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên để đầu tư xây dựng 94 phòng học tại 6 huyện miền núi. Nhờ đó, môi trường giáo dục ở các trường, điểm trường được phát triển một cách toàn diện, tạo niềm vui phấn khởi cho phụ huynh, học sinh, nhất là con em, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi", bà Hà  cho biết.

Điều kiện học tập của các em học sinh ngày càng được đảm bảo, phát triển toàn diện.

Nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

Trong những ngày này, công trình Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Điện Thắng Bắc, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang gấp rút hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng trong năm học 2016-2017 theo kế hoạch. Đây là một trong những dự án trường học có mức đầu tư lớn của Điện Bàn nằm trong kế hoạch xây dựng 3 trường THCS tại các xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam.

Theo ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT TX Điện Bàn, việc UBND TX Điện Bàn và chính quyền địa phương các xã/phường trên địa bàn đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học sẽ tạo tiền đề mới cho ngành GD-ĐT phát triển. Trong đó, việc đầu tư xây dựng cho Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam mỗi xã một trường THCS là niềm vui lớn cho con em các địa phương. Bởi trong thời gian qua, việc con em học sinh 3 xã này cùng tập trung học tại một trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Điện Thắng Bắc) gặp phải rất nhiều khó khăn. Với việc đầu tư xây dựng mỗi xã mỗi trường THCS sẽ xóa bỏ tình trạng quá tải trường lớp, tạo điều kiện đi lại, học tập thuận lợi cho con em địa phương.

Ông Ngọc cho biết thêm, với dự toán kinh phí gần 10 tỷ đồng cho xây dựng mỗi trường THCS, trong đó, UBND TX Điện Bàn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, còn địa phương các xã đầu tư xây dựng tường rào, cổng ngõ, sân bãi. Khi hệ thống cơ sở vật vất này được đầu tư xây dựng hoàn thiện sẽ góp phần cho ngành GD-ĐT củng cố được mạng lưới trường lớp, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường học nâng cao chất lượng dạy học.

Cũng như Điện Bàn, chuẩn bị cho năm học 2016-2017, H. Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đang đầu tư xây dựng mới hàng loạt phòng, lớp học cho các trường trên địa bàn. Theo Trưởng phòng GD-ĐT H. Đại Lộc - Huỳnh Ngọc Ánh, hiện nay, UBND H. Đại Lộc đang triển khai xây dựng gần 25 phòng học cho các đơn vị trường học trên địa bàn. Đây là số lượng phòng học được xây dựng bổ sung và thay thế cho các phòng, lớp học đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng.

Ông Ánh cho biết thêm: Trong những năm qua, thông qua nhiều chương trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, các tổ chức từ thiện, cùng với nguồn lực của địa phương, Đại Lộc đã tập trung đầu tư xây dựng, phát triển mạnh hệ thống cơ sở vật chất trường. Nhờ đó, bộ mặt trường học trên địa bàn hiện nay đã khang trang hơn rất nhiều, số lượng trường chuẩn quốc gia tăng đáng kể, số lượng trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn quốc gia, hiện đại hóa tăng mạnh.

Khải Minh