Báo Công An Đà Nẵng

Gấp rút giải phóng mặt bằng xây công viên văn hóa Ngự Bình

Thứ bảy, 06/03/2021 20:22

Núi Ngự Bình là một trong những danh thắng nổi tiếng vùng đất cố đô Huế. Ngọn núi này được người xưa xem là bình phong của Kinh thành Huế. Hàng chục năm qua, do sự lỏng lẻo trong quản lý đã khiến rất nhiều diện tích đất ở khu vực đường Ngự Bình- Núi Bân bị biến thành khu nghĩa địa rộng lớn, dẫn đến cảnh quan khu vực này bị phá vỡ.

Khu nghĩa địa Ngự Bình này sẽ trở thành công viên văn hóa.

Năm 2005, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt quy hoạch “Trung tâm văn hóa phía Tây Nam của TP Huế”. Tuy nhiên, từ đó đến nay mới chỉ thực hiện được một phần là xây dựng không gian văn hóa núi Bân với tượng đài Quang Trung (P. An Tây, TP Huế). Nhận thấy phạm vi quy hoạch của đề án trên quá rộng, ảnh hưởng đến số lượng lớn dân cư, UBND TP Huế đã trình đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho phê duyệt lại quy hoạch và đã được tỉnh phê duyệt lại vào năm 2019”.

Cụ thể, theo kế hoạch xây dựng không gian văn hóa Ngự Bình, địa phương sẽ phải giải tỏa mặt bằng 34 ha, trong đó buộc phải di dời khoảng 100.000 ngôi mộ. Tổng kinh phí cho việc giải phóng mặt bằng sẽ khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn quỹ đất để cấp cho việc chôn cất mộ sau khi di dời sẽ khoảng 20 ha, được UBND TP Huế đề xuất từ mở rộng nghĩa trang ở xã Hương Hồ (thị xã Hương Trà) và nghĩa trang ở xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy). Hiện nay, tỉnh Thừa ThiênHuế đang chỉ đạo Sở Xây dựng và các địa phương mở rộng quy hoạch các nghĩa trang nói trên để đẩy nhanh thực hiện việc di dời khu vực núi Ngự Bình.

Theo lãnh đạo UBND TP Huế, đây là dự án được cộng đồng quan tâm, khi hoàn thành, Công viên văn hóa Ngự Bình thì sẽ tạo điểm nhấn cho đô thị Huế, đồng thời trả lại mặt bằng cảnh quan cho núi Ngự Bình. Dự án cũng sẽ là thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng dân cư trong khu vực, kết nối các địa điểm di tích lịch sử, danh thắng ở vùng Tây Nam TP Huế thu hút khách du lịch.

Theo lãnh đạo TP Huế, vấn đề khó khăn trong việc thực hiện DA này là số lượng mồ mả cần di dời quá lớn, diện tích giải phóng mặt bằng rộng. Vì vậy, việc thực hiện DA sẽ hiện theo phân kỳ từng phần, diện tích nào giải tỏa trước sẽ trồng cây xanh cảnh quan, tiếp đó sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Lãnh đạo UBND TP Huế cho hay, từ khi có quy hoạch đầu tiên vào năm 2005, chính quyền địa phương đã tiến hành cắm biển cấm chôn cất, an táng người quá cố tại núi Ngự Bình và khu vực lân cận. Tuy nhiên, số mồ mả chôn cất vẫn tăng lên và tình trạng xây dựng lăng mộ vẫn diễn ra. “Trước mắt, chúng tôi đã đề nghị tỉnh chỉ đạo Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh lắp đặt thêm camera, quay fly-cam để quản lý chặt chẽ việc xây dựng mộ ở đây, cũng như góp phần vào việc kiểm đếm số lượng mồ mả tại khu vực DA”, ông Hoàng Hải Minh- Chủ tịch UBND TP Huế cho biết.

Theo kế hoạch của UBND TP Huế, sau khi đo vẽ bản đồ thu hồi đất xong, thành phố sẽ triển khai các thủ tục trình thông báo thu hồi đất trong tháng 4-2021, thông báo kế hoạch để người dân kê khai mồ mả trong tháng 3 và tháng 4-2021, tiến hành đo đạc, kiểm kê trong tháng 4 và 5-2021. Đến tháng 6-2021, sẽ áp giá niêm yết công khai và trình phê duyệt và trong tháng 7- 2021 thông báo chi trả tiền đền bù và người dân tiến hành di dời mồ mả bàn giao mặt bằng.

HẢI LAN