Báo Công An Đà Nẵng

Gấp rút trùng tu Chùa Cầu

Thứ ba, 23/03/2021 18:00

Chùa Cầu, biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An. 

Di tích Chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) được cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của Di sản Văn hóa thế giới Hội An. Nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách mỗi khi đến phố cổ Hội An. Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản, tên chữ Lai Viễn Kiều do chúa Nguyễn Phúc Chu ban vào năm 1719. Chùa Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình tín ngưỡng, là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Phạm Phú Ngọc- Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: Được các thương nhân Nhật Bản đến buôn bán, giao thương (tại Hội An) đầu tư xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, Chùa Cầu- Hội An trở thành công trình duy nhất có gốc tích từ xứ sở Phù Tang trong lịch sử. Trải qua hàng trăm năm, Chùa Cầu đã trở thành một phần "đặc trưng" của Di sản đô thị cổ Hội An, biểu tượng cho ngành du lịch Hội An và tỉnh Quảng Nam. Chùa Cầu không chỉ là di tích lịch sử văn hóa quốc gia mà đây còn là biểu tượng của Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới. Trải qua tác động của thời gian và những biến thiên của lịch sử, kinh tế, xã hội, đặc biệt là trước sức ép lớn bởi lượng khách tham quan ngày càng tăng khiến Chùa Cầu đang xuống cấp, cần có giải pháp trùng tu, sửa chữa. 

Trước nguy cơ hư hại ngày một nặng hơn của Chùa Cầu, mới đây, ngày 12-3-2021, làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về công tác bảo tồn, trùng tu di tích, Thứ trưởng Bộ VH- TT và DL Hoàng Đạo Cương cũng đã chỉ đạo quyết liệt: Hoàn thành nhiều hạng mục trùng tu Chùa Cầu ngay trong năm nay là yêu cầu bắt buộc, bởi nguy cơ hư hại của di tích đặc biệt này ngày càng cao. UBND tỉnh Quảng Nam phải sớm có các quyết định mạnh mẽ hơn đối với yêu cầu cấp bách trùng tu Chùa Cầu. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu các ngành chức năng của  Hội An và tỉnh Quảng Nam phải hoàn thành căn bản việc trùng tu di tích Chùa Cầu trong năm 2021, đồng thời UBND tỉnh Quảng Nam phải sớm có các quyết định mạnh mẽ hơn trong nhiệm vụ trùng tu Chùa Cầu.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, khó khăn hiện nay trong công tác bảo tồn đô thị cổ Hội An là việc phòng chống cháy nổ, chống mối mọt nhà cổ và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu vẫn còn chậm trước nguy cơ hư hại nặng hơn. Ông Trần Văn Tân- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Công tác triển khai đề án trùng tu Chùa Cầu phải được TP Hội An, cơ quan liên quan quyết liệt thực hiện. Các vấn đề liên quan đến nạo vét sông Hoài, khơi thông dòng chảy để đảm bảo an toàn nhà cổ cũng phải tính đến hình thức công - tư, vấn đề chuyển đổi chủ sở hữu nhà cổ cũng cần được cơ quan chức năng chú ý, hướng dẫn, tránh tác động đến di tích. Mọi việc phải được thực hiện đồng bộ hơn, nhằm bảo vệ một di tích kiến trúc đặc biệt là Chùa Cầu, bảo vệ một di sản quý là Khu phố cổ Hội An

Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản trình HĐND tỉnh đề nghị bổ sung vào danh mục đầu tư để tiến hành trùng tu Chùa Cầu trong năm 2021. Nguồn kinh phí tu bổ gần 20 tỷ đồng (gồm 50% của tỉnh và 50% của TP Hội An). Do Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phải cho kê giá gỗ, chống đỡ tạm thời bên dưới gầm Chùa Cầu.

Cùng với di tích Chùa Cầu, TP Hội An và ngành liên quan cũng đang triển khai song song các dự án bảo vệ Di sản đô thị cổ Hội An. Nhiều năm qua, chính quyền, ngành du lịch Hội An và tỉnh Quảng Nam đã từng bước hoàn thiện công tác quản lý, bảo vệ di tích cổ. Đặc biệt, nhận thức của người dân Hội An về bảo tồn nhà cổ, di tích vật thể, phi vật thể luôn được nhìn nhận rất tốt. Nhờ vậy, hàng trăm di tích được bảo vệ an toàn, 27 di tích quốc gia và hàng chục di tích cấp tỉnh được phục hồi. Tất cả đã góp phần làm nên giá trị của một điểm đến du lịch đến nổi tiếng trong nước và quốc tế: Đô thị cổ Hội An- Di sản văn hóa thế giới.

THẢO NGUYÊN