Gặp “tri kỷ” của Nguyễn Văn Thạc (2)
>> Gặp “tri kỷ” của Nguyễn Văn Thạc
Kỳ cuối: Lời “tiên tri” về ngày thống nhất đất nước 30-4-1975!
(Cadn.com.vn) - Nguyễn Văn Thạc cũng như hàng triệu thanh niên Việt Nam đã anh dũng lên đường ra mặt trận, để lại sau lưng thành phố, làng mạc quê hương, người thân và đặc biệt nhất là người yêu dấu. Sợi dây liên lạc đối với họ lúc ấy là những lá thư. Và giữa Thạc và Như Anh, những lá thư họ gửi cho nhau đã trở thành kỷ vật thiêng liêng nhất, là nguồn tư liệu quý để giáo dục truyền thống cho các thế hệ thanh niên Việt
Những bức thư tình đặc biệt, vì được viết giữa thời hoa lửa. Bà Như Anh cho rằng, vận số - mối tình của cô và Nguyễn Văn Thạc dường như là sự sắp đặt, định mệnh từ những bức thư. Bởi đúng ra bức thư đầu tiên không đến được tay Như Anh. Theo bà Như Anh, bố của bà hết sức nghiêm khắc, tất cả thư từ bạn trai gửi, ông thường vứt đi sau khi vừa nhận được. Nhưng lạ thay, bức thư của Thạc (viết đề ngày 8-11-1970) đến, ông lại mở ra xem, đọc thấy cảm mến sao đó về tác giả của nó mà ông để lại trong ngăn tủ. Vô tình Như Anh lại thấy lá thư đó. Thư chỉ hỏi thăm sức khỏe, động viên Như Anh học hành, kể một chút về đời sinh viên của Thạc, nhưng lại có ấn tượng sâu đậm trong lòng bà... Đến 4-3-1971, trước khi đi thi học sinh giỏi Văn, xúc động vì bài văn năm trước Thạc được giải nhất Văn miền Bắc nên Như Anh mới viết cho Thạc một lá thư hồi âm. Bức thư đó, đến ngày 9-3-1971 Thạc mới nhận được. Như Anh viết cho Thạc về tình yêu cây bạch đàn. Như Anh thích cây bạch đàn, thon thả, duyên dáng, kiêu hãnh, trong sạch. Cô dặn Thạc kiếm lấy hai cây trồng ở đâu cũng được, một cây của Như Anh và một cây của Thạc. “Rồi nếu Thạc cũng đi thì hai cây bạch đàn của Thạc và Như Anh vẫn đứng mãi bên nhau như hai cây phong của Đuysen và Altưnai. Và biết đâu, cũng có một nhà văn nào đó viết lại câu chuyện về hai cây bạch đàn mảnh dẻ ấy...” (Trích bức thư đầu tiên Như Anh gửi cho Thạc).
Bà Phạm Thị Như Anh hiện tại.
Trong nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc có nhắc đến ký ức này: “Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào?. Có lẽ từ 9.3.1973, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước...”. “Đó là ngày hai trái tim mẫn cảm đã tìm thấy nhau để cùng được thấu nhận một tình yêu không bao giờ tắt mà số phận đã dành cho nhau?”...
Nhiều bức thư Thạc viết, dường như chất chứa những cảm giác tâm linh đúng ở thì tương lai. Trong lá thư Như Anh đề ngày 24-4-1971 gửi cho Thạc, trong đó Như Anh kể về một buổi học Nga văn bàn đến cụm từ “hạnh phúc là gì”. Thật khó nói hạnh phúc là gì, có rất nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng Như Anh thì cho rằng: “Hạnh phúc không như những niềm vui bình thường. Nó là cái gì đó lớn hơn và khó tìm thấy”.
Trong thư hồi âm Như Anh, Thạc tiên đoán, cho rằng, ngày 30-4-1975 sẽ là ngày mà Như Anh và Thạc tìm được câu trả lời: “Hạnh phúc là gì, mà Hạnh phúc của Thạc và Như Anh chỉ có thể gắn chặt với niềm vui chung của dân tộc mà thôi”. Đây là một lá thư rất đặc biệt, có thể nói là tiêu biểu của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Thạc đã bộc lộ tất cả khía cạnh cao đẹp của tâm hồn mình, những hoài bão lớn lao của người thanh niên Cộng sản quả cảm. Rõ ràng câu trả lời của Thạc không phải chỉ là sự ngẫu nhiên. Có những điều bằng lý trí duy vật chưa tìm được câu trả lời.
Một góc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Đức do bà Phạm Thị Như Anh xây dựng.
“Ngày 30-4-1971: ... 4 năm nữa, biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra. 30/4/1975, thì Như Anh và Thạc đang ở trong tình trạng nào?. Như Anh ơi, hứa với Thạc đi, 30/4/1975, dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau những dòng chữ “Hạnh phúc là thế nào” nhé! Thạc sẽ nhớ lời hứa này, và sẽ chuẩn bị “ý, tứ” cho bức thư ngày ấy bằng cuộc sống 4 năm sắp tới”...
Trong nhiều bức thư, Thạc nói rằng “không có một sức mạnh trần thế nào có thể chia cắt được tình yêu của Thạc và Như Anh”. Thạc từng ước mơ viết được một tác phẩm để đời, kiểu như “Chiến tranh và Hòa bình” nhưng ước mơ khó thành bởi Thạc linh cảm về một cuộc đời ngắn ngủi. Thạc từng dặn: “Như Anh ngày mai làm tiếp cho Thạc, những điều Thạc còn bỏ dở, Như Anh là ngày mai, là tương lai của Thạc...”; “... Như Anh là linh hồn và số mệnh của Thạc”; “Như Anh là một mặt gương, một mặt sông để Thạc soi mình vào đó”...
Bà Như Anh nhớ mãi kỷ niệm về lần thử thách số mệnh khi gửi bức thư cho Thạc đúng ngày sinh nhật của người yêu, ngày 14-10-1971. Giữa mùa đông giá lạnh, giữa ngập tràn hoa hồng trắng, đỏ... nhưng Như Anh quyết nhờ người bạn tìm một đóa hồng vàng thì mới tin vào số mệnh, mới kèm gửi bức thư. Thế mà, sau nhiều lần đôn đáo tất tưởi chạy khắp nơi, người bạn đó vẫn tìm được bông hồng vàng duy nhất nằm chính giữa bó hồng trắng đỏ. Sau khi nói lý do, bà chủ bán hoa, có lẽ lạ nhất trong tất cả những bà bán hàng, quyết dỡ tung cả bó hoa ra để lấy duy nhất một đóa hồng vàng, rồi chẳng chịu lấy tiền mà gửi lời nhắn chúc cho tình yêu của đôi bạn được vĩnh cửu... Số mệnh, tình yêu của Thạc và Như Anh là như vậy đấy. Đó là những minh chứng vô hình gắn kết cuộc tình có một không hai...
Ngày 26-7-2005, đúng vào ngày Thạc và Như Anh chia tay nhau 34 năm về trước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trồng cho bạn chiến đấu của mình - Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc 2 cây bạch đàn - Cây linh hồn của Như Anh và Thạc trước mộ anh tại NTLS Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội). Cây bạch đàn được Thạc tha thiết yêu thương trong những trang đầu tiên của nhật ký, ngày 2-10-1971 ở nơi tập trung chuẩn bị đi B: “Cây bạch đàn ta yêu, ta quí. Bạch đàn ơi, chạy theo anh nhé và sống mãi với anh. Khi nào anh nằm xuống, bạch đàn hãy rủ lá, run rẩy và ru cho anh ngủ...” và thực hiện được ước mơ của Thạc viết ngày 4-10-71: “Rồi lúc nào ta chết, chỉ cầu xin một điều, trên nấm mồ của ta là cây bạch đàn, cây bạch đàn mảnh dẻ...”.
Trong lá thư cuối cùng Thạc gửi cho Như Anh đề ngày 11-7-1972, giống như một lời từ biệt: “Chiến tranh đã và sẽ lấy đi nhiều hơn của Thạc. Chả có gì là bi kịch đâu. Trong cuộc sống cái đổ vỡ, cái bi thảm thường sâu thẳm hơn niềm vui nông nổi”. Và từ đó, Như Anh không còn nhận thư của Thạc nữa. Trang nhật ký gửi Như Anh cũng khép lại từ đây, bởi ngày 30-7-1972, Thạc hy sinh...
Một điều đặc biệt là 33 năm sau ngày Thạc hy sinh, Như Anh lại nhận được một bức thư cuối cùng trong hàng trăm bức thư mà Thạc viết cho bà. Bức thư đề ngày 30-5-1972 nhưng đến năm 2005, Như Anh mới nhận được. Thời điểm ấy Như Anh đang ở Liên Xô, còn Thạc lên đường ra chiến trường. Bức thư được gửi đến địa chỉ của gia đình Như Anh. Em gái của Như Anh nhận được, cài vào một quyển truyện. Kim Ngọc là người quen của gia đình tình cờ mượn cuốn sách đó đọc. Chị thấy bức thư viết hay quá nên gìn giữ như một báu vật. Đến năm 2005, khi đọc nhật ký “Chuyện đời”, Kim Ngọc mới biết được Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh. Vào tháng 7-2005, bác sĩ Nguyễn Kim Ngọc đã trao bức thư đó cho Như Anh sau hành trình 33 năm xa cách. Bức thư Như Anh nhận được sau 33 năm do bác sĩ Kim Ngọc trao lại, Thạc viết đề ngày 30-5-1972:
“...Nếu như số phận không cho Như Anh gặp Thạc, thì Như Anh hãy tin rằng, Thạc mang Như Anh trong tim theo suốt cuộc đời này...”, cuộc đời mà Thạc biết “Thạc sẽ sống vĩnh viễn... dù trong giây lát”...
Doãn Nguyên Hưng