Báo Công An Đà Nẵng

Gạt bất đồng, bắt tương lai

Thứ tư, 05/04/2017 07:29

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Donald Trump bất ngờ gạt sang một bên những khúc mắc về vấn đề nhân quyền để chào đón người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đến Nhà Trắng hôm 4-4, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Ai Cập đến Mỹ trong gần một thập kỷ qua.

Tiếp đón nồng nhiệt người đồng cấp Sisi tại phòng bầu dục, ông Trump không ngừng khen ngợi vai trò lãnh đạo của vị cựu tướng quân sự này khi ông đã nỗ lực hàn gắn quốc gia sau cuộc đảo chính đẫm máu và hệ quả của làn sóng Mùa xuân Arab và giải quyết vấn đề chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng.  Trong cuộc gặp, ông Trump cho rằng ông Sisi “làm việc rất tốt” và tiết lộ Mỹ đang lên kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội ở mức “có thể là” cao nhất, nhằm phục vụ cho cuộc chiến chống IS cũng như hỗ trợ các nước đồng minh.

Thái độ của ông Trump đối với ông Sisi giải tỏa những quan ngại của người tiền nhiệm Barack Obama về việc nhà lãnh đạo Ai Cập đã thanh lọc những người chống đối chính trị và các nhà hoạt động nhân quyền. Cuộc họp này cũng tượng trưng cho mối quan hệ nồng ấm Mỹ-Ai Cập sau nhiều năm lạnh giá. Tổng thống Trump đang đánh cược rằng, Ai Cập có thể là đối tác giúp Mỹ đạt hai mục tiêu chính: khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông.

Chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Ai Cập thật sự mang ý nghĩa chiến lược đối với cả hai nước. Lần cuối cùng một Tổng thống Ai Cập đến Nhà Trắng là năm 2010 – đó là khi ông Hosni Mubarak tham dự các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông cùng với các nhà lãnh đạo Israel, Palestine và Jordan. Vài tháng sau đó, Tổng thống Mubarak bị lật đổ khi làn sóng Mùa xuân Arab quét qua khu vực.

Tổng thống Obama đẩy mối quan hệ xuống vực thẳm khi cáo buộc chính quyền Ai Cập dập tắt các cuộc biểu tình bằng vũ lực. Ai Cập và Mỹ càng căng thẳng hơn do sự trỗi dậy của IS và sau đó là chính phủ quân sự do ông Sisi lãnh đạo lên nắm quyền. Ông Obama quyết định đóng băng viện trợ quân sự cho Ai Cập - trị giá khoảng một 1 tỷ USD/năm. Nhưng vai trò quan trọng của Ai Cập trong khu vực khiến Mỹ tỏ ra mềm mỏng hơn và quyết định nối lại viện trợ quân sự năm 2015. Dù vậy, quan hệ ngoại giao vẫn còn khó khăn.

Và giờ đây, chất xúc tác cho tình bạn của ông Trump và ông Sisi chính là cùng chung lập trường cứng rắn đối với các nhóm thánh chiến đang trỗi dậy ở Trung Đông.

Thanh Văn