Gạt bất đồng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc
Ngày 26-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Trung Quốc nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang ngày càng gia tăng. Đây là lần đầu tiên trong 4 năm qua một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới thăm Trung Quốc, do vậy cuộc gặp được đánh giá sẽ bao hàm các vấn đề "nóng" thời gian qua.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết, các cuộc thảo luận với Trung Quốc chỉ tập trung vào mối quan hệ quân sự và vấn đề Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại.
Việc liên tục đưa ra chính sách thuế đáp trả lẫn nhau làm gia tăng quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong các phát biểu trước chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho biết, các điểm bất đồng sẽ được tránh đề cập trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc, mà chỉ tập trung vào mối quan hệ quân sự và các cuộc đàm phán hạt nhân của Triều Tiên. Ông cho biết sẽ tìm kiếm các lĩnh vực mà hai bên có chung lợi ích, trong đó có việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Phát biểu với phóng viên trên máy bay, ông Mattis tránh bất cứ chỉ trích cứng rắn nào với Trung Quốc như ông từng nói trong thời gian gần đây. "Tôi muốn đến Trung Quốc để đối thoại. Tôi không muốn ngay lập tức đặt ra những kỳ vọng nhất định về những gì họ định nói. Tôi muốn đến đó để lắng nghe", tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Mattis cho biết.
Triều Tiên là trọng tâm
Sự thay đổi của ông Mattis theo hướng ngoại giao hơn phản ánh sự thừa nhận của chính quyền Mỹ về ảnh hưởng quan trọng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang tiếp diễn để Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân.
Trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm Trung Quốc hai lần. Trong cuối tháng 3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm Bắc Kinh và đến tháng 5, ông đặt chân đến thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh để gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại đến thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa vào ngày 19-6. Mặc dù vai trò của Bắc Kinh trong kế hoạch phi hạt nhân của Triều Tiên chưa được công bố rõ ràng nhưng các nhà phân tích đều chung quan điểm rằng Washington sẽ ưu ái muốn Bắc Kinh về cùng phía. Theo nhận định của SCMP, đối với ông Mattis, Triều Tiên sẽ là chủ đề chính trong các cuộc đối thoại với giới chức cao cấp Trung Quốc. Trong khi Washington muốn Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng để củng cố đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, thì Mỹ cũng muốn Trung Quốc duy trì cam kết thực thi trừng phạt chống Triều Tiên, như một phần của chiến dịch gây áp lực.
Hợp tác quân sự
Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Châu Á và Châu Phi (IAAS) của Nga Andrey Karneev, "Chuyến thăm của ông Mattis diễn ra trong hoàn cảnh đầy thách thức". Theo ông, "liên hệ giữa Bộ Quốc phòng 2 nước đã nguội lạnh gần như đến độ đóng băng", ám chỉ đến việc Lầu Năm Góc loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận ở Thái Bình Dương (RIMPAC) vào tháng 5-2018, một sự kiện thường niên vẫn có sự tham gia của Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Châu Á khác.
Viện dẫn hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên biển Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố, hành vi của Bắc Kinh là "không nhất quán với các nguyên tắc và mục đích của tập trận RIMPAC". Thêm vào đó, ông Mattis còn là người có quan điểm khá cứng rắn với Bắc Kinh khi tuyên bố tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La (SLD) ở Singapore hồi đầu tháng 6-2018 rằng, "chính sách của Trung Quốc ở biển Đông hoàn toàn đối lập với sự cởi mở mà chiến lược của Mỹ muốn củng cố, điều đó đặt ra những câu hỏi về mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc".
Tuy nhiên, trong các phát biểu gần đây, Bộ trưởng Mattis cho rằng, quân đội hai nước cần tăng cường liên lạc. Theo ông, để giải quyết các vấn đề hiện nay giữa Mỹ -Trung, hai bên cần tổ chức cuộc đối thoại chiến lược minh bạch về việc Trung Quốc nhìn nhận việc phát triển quan hệ với Mỹ như thế nào và ngược lại Mỹ nhìn nhận việc phát triển với Trung Quốc ra sao.
Trong tuyên bố trước thềm chuyến thăm, người phát ngôn Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho rằng, Washington cần hợp tác nhằm đưa mối quan hệ quân sự song phương trở thành yếu tố ổn định quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
AN BÌNH