Gậy dò đường thông minh cho người mù
(Cadn.com.vn) - Chứng kiến các học trò khiếm thị của mình tham gia giao thông quá nguy hiểm nên một thầy giáo Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) đã sáng tạo ra chiếc "gậy thông minh", được coi như "đôi mắt thứ 2" cho người mù.
Thầy Quy với chiếc gậy thông minh. |
Từ bảng nam châm...
Trước khi chuyển về công tác tại Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu từ 15 năm nay, thầy giáo Nguyễn Duy Quy (47 tuổi) đã có thời gian dài dạy học tại huyện miền núi Đại Lộc (Quảng Nam). Thầy Quy kể, khi mới về Trường Nguyễn Đình Chiểu (lúc đó chỉ có học sinh khiếm thính) lên lớp dạy các em nhiều lúc nước mắt cứ chực tràn ra vì nỗ lực bao nhiêu các em cũng không hình dung được bài giảng.
Do đặc thù môn toán biểu thị bằng những con số, biểu đồ, hình học mà các em lại bị mù, không cách gì hình dung ra hình tam giác, tứ giác là gì. Lúc đó thầy chỉ ước ao giá gì ông trời cho các em lấy một chút xíu ánh sáng, để có thể nhìn thấy mờ ảo cũng được. Càng trân trọng hơn nữa là dù bị khiếm thính thì các em vẫn luôn thể hiện khát vọng nghị lực phi thường, một mực lễ nghĩa, quan tâm sẻ chia với thầy như người thân trong gia đình.
Thầy Quy nhớ lại, lúc đó mình phải học chữ nổi thì mới dạy được học trò, mà nhìn chữ nổi giống như tổ ong, khó khăn vô cùng, nhưng lúc đó học trò lại động viên "không khó đâu thầy". Chính các học trò còn bày lại cách học chữ nổi cho thầy. Tình cảm của các em là nguồn động lực lớn giúp thầy Quy học thành công chữ nổi chỉ sau 3 tuần miệt mài. Để đáp lại kỳ vọng của các em, thầy Quy đã mày mò nghĩ ra cách để giúp học trò của mình mường tượng ra được các hình khối toán học trong đầu.
Thầy cắt một miếng tôn để làm bảng bên dưới gắn nam châm, trên mặt thầy tỉ mỉ cắt gọt từng que nhôm, khi muốn sắp hình gì chỉ việc gắn các que nhôm lại, nó sẽ hút chặt vào bảng. Chẳng hạn để biểu thị một tam giác đều, học trò sẽ sờ 3 que nhôm trên đó đều có 3 khấc rồi đặt lên bảng nam châm hình tam giác. Lúc đó các em sờ vào bảng sẽ hình dung được tam giác đều thế nào, và do nam châm hút lại lên các que nhôm không thể di chuyển mất đi hình khối khi các em sờ vào. Bằng cách đó, tất cả các hình học đã được các em nắm bắt nhanh chóng từ đó làm các phép toán hình học cũng nhanh, chính xác hơn.
Học trò trường Nguyễn Đình Chiểu sử dụng gậy dò đường thông minh để tham gia giao thông. |
...Đến gậy dò đường
Với người mù thì chiếc gậy là vật dụng không thể thiếu khi di chuyển. Thầy Quy kể mình có dạy môn Định hướng di chuyển cho người mù nên nắm rất rõ những nguyên tắc khi người mù tham gia giao thông. Chẳng hạn khi đi bộ ở lề dưới, họ dùng gậy gõ xuống mặt đường để biết các vật cản phía trước đồng thời gõ vào lề vỉa hè bên phải đường. Khi gõ bên lề phải không được thì có hai khả năng, hoặc qua ngã ba, ngã tư hoặc đã đi lệch ra lòng đường vì thế phải điều chỉnh.
Bên cạnh đó người mù cũng phải dùng thính giác rất tinh của mình để nghe âm thanh và căn được mốc tại nơi mình đang đi qua, chẳng hạn qua bến xe âm thanh khác, qua chợ âm thanh khác. Tuy nhiên, khi quan sát người mù qua đường thầy Quy nhận thấy rất nguy hiểm, vì thế thầy đã nghĩ ra cách biến cái gậy bình thường của người mù thành chiếc gậy thông minh. Khi muốn qua đường, người mù chỉ việc bật công tắc và đưa gậy lên, lúc đó còi sẽ hú, đèn LED trên gậy sẽ chớp chớp liên tục báo hiệu cho người đi đường biết để chủ động nhường đường.
Nói thì đơn giản vậy song để làm thành công thầy phải mày mò gần 2 năm trời. Cái khó là làm ra bộ mạch rất nhỏ để gắn được vào gậy để nó điều khiển đèn báo và còi. Ban đầu chiếc gậy dùng chỉ được 5 phút là hết pin, rất bất tiện vì không thể thay pin liên tục. Tuy nhiên sau quá trình tinh giảm, cuối cùng một viên pin có thể dùng cho 20 ngày, mỗi ngày 15 phút. Theo thầy Quy, giá thành mỗi chiếc gậy khoảng 2 trăm ngàn đồng.
Vừa qua trường khiếm thị Nhật Hồng tại Thủ Đức-TPHCM cũng đã đặt hàng mua 30 chiếc cho học sinh khiếm thị. Điều thầy Quy tâm đắc nhất với chiếc gậy này là nó giúp cho học trò khi đi học hòa nhập (học chung cùng các học sinh bình thường ở các trường cấp 2, cấp 3) chủ động, an toàn hơn. Trước đây khi đi học hòa nhập, các thầy phải chia nhau đưa các em đi, nay các em có thể tự đi. Với chiếc gậy dò đường thông minh này thầy Quy đã nhận được nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật, trong đó có giải Ba cuộc thi sáng tạo KHKT TP Đà Nẵng năm 2013.
Hải Hậu