Báo Công An Đà Nẵng

Gaza chỉ còn là một đống đổ nát

Thứ ba, 30/01/2024 20:59
Người dân tìm thực phẩm, nhu yếu phẩm dưới đống đổ nát ở Deir al-Balah, miền trung Dải Gaza, ngày 4-12. Ảnh: AFP

Reuters hôm 27-11 đăng các video quay bằng flycam ghi lại cuộc sống ở Dải Gaza trước khi nổ ra xung đột hôm 7-10: cảnh các ngôi trường, nhà thờ Hồi giáo, đường phố ở Dải Gaza tấp nập người đi bộ trên vỉa hè hoặc lái xe dọc theo những cung đường rợp bóng cây. Flycam cũng ghi lại hình ảnh về trại tị nạn Beach, với những ngôi nhà xây bằng gạch san sát nhau. Tại trại tị nạn Nusseirat, trẻ nhỏ hào hứng nhảy múa trên đường phố trong những ngày bình yên chưa nổ ra xung đột.

Reuters cũng công bố những video được quay sau khi Israel tấn công Dải Gaza hôm 7-10, cho thấy dải đất này bị tàn phá diện rộng, với những miệng hố còn bốc khói đen cùng các tòa nhà bị san phẳng. Đường phố vắng lặng, chỉ thi thoảng xuất hiện vài người đi qua những đống đổ nát. Hãng tin mô tả cảnh tượng “hoang tàn như vùng đất trên Mặt Trăng”. Tại những nơi vốn đông dân cư như thành phố Khan Younis, thành phố miền trung Zahra và Gaza City ở phía bắc Dải Gaza, nhà dân giờ đây chỉ còn là những đống gạch và bê-tông.

Hình ảnh tương phản này cho thấy mức độ tàn phá khủng khiếp sau các cuộc tấn công của Israel vào dải đất hẹp nằm ở bờ biển Đông Nam Địa Trung Hải này. Ngày 11-12, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell cảnh báo tình hình tại Dải Gaza “đang ở mức thảm họa,” mức độ phá hủy “thậm chí còn lớn hơn” những gì nước Đức đã trải qua trong Thế chiến II. Theo thống kê của Liên hợp quốc, gần 40.000 tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hôm 7-10.

Các cuộc tấn công kéo dài nhiều tuần của Israel vào Dải Gaza khiến người Palestine rơi vào cảnh không nhà không cửa, sống trong các trại tị nạn hay chịu cảnh màn trời chiếu đất. Đau lòng hơn, tính tới cuối tháng 12-2023, cuộc xung đột đã khiến hơn 75.000 người Palestine thương vong, trong đó gần 21.000 người tử vong. Khoảng 70% số nạn nhân là trẻ em và phụ nữ. Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người thuộc diện mất tích và nhiều khả năng bị vùi lấp trong các đống đổ nát do các cuộc không kích gây ra.

Tình cảnh người dân ở dải đất ngày một khó khăn vì thiếu nguồn cung thực phẩm, nước và nhiên liệu. Không hài lòng với việc cắt nguồn cung cấp thực phẩm, nước, điện và nhiên liệu cho Gaza, Israel còn cô lập người dân Palestine tại đây bằng cách cắt đứt các dịch vụ điện thoại và Internet trên lãnh thổ. Các dấu hiệu cho thấy trật tự dân sự dần sụp đổ đang xuất hiện. Tình trạng cướp bóc xảy ra khắp mọi nơi trong bối cảnh người dân phải vật lộn để sinh tồn.

Theo Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine, ước tính có 1,9 triệu người tại Gaza (tương đương 85% dân số) đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Số ở lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nhu yếu phẩm như lương thực, nước sạch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vệ sinh. Một nửa dân số ở Dải Gaza đang đói ăn.

Một “kẻ sát nhân vô hình” khác đang rình rập, đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây, đó là dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hệ thống chăm sóc sức khỏe của Gaza đang “sụp đổ” và “những tín hiệu đáng lo ngại về dịch bệnh” đang xuất hiện. WHO cảnh báo nguy cơ dịch bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn khi mùa Đông đến.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với hãng tin AP, giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột là các cuộc giao tranh ác liệt trên bộ được hỗ trợ bởi lực lượng không quân, có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí trong nhiều tháng. Trong khi đó, thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas Yahya Sinwar ngày 25-12 vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn về cuộc chiến, khẳng định sẽ không đầu hàng hay tuân theo các điều kiện do phía Israel đặt ra.

Trên mặt trận ngoại giao, những nỗ lực do Ai Cập và Qatar làm trung gian nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới và giải thoát những con tin còn lại bị giam giữ ở Gaza chỉ thu được những tiến bộ nhỏ nhoi. Xem ra, xung đột Israel - Hamas chưa thể sớm kết thúc trong thời gian tới.

GIA NGHI