Báo Công An Đà Nẵng

Ghi chép ở một con phố

Thứ hai, 19/07/2021 15:41

Góc phố thân quen.

Chúng ta đều sống ở một con phố nào đó, có thể là nhà của mình hay chỉ là ở trong một căn nhà trọ. Con phố có những hàng cây xanh che mát, có hàng bán đồ ăn sáng, có quán cà phê cóc và có hàng tạp hóa để ghé mua đôi khi chai nước mắm hay gói bột ngọt lỡ quên mua khi đi chợ.

Con phố quen từng bóng người mỗi sớm mai khi chạy bộ hay đi đánh cầu lông về, chào nhau với nụ cười trên môi. Con phố khi hàng bán cháo lòng đối diện khách quá đông, xe để tràn qua trước nhà mình. Anh chạy ba gác sau chuyến hàng mệt lả, ghé mua lon bia uống giải khát, hoặc anh thanh niên làm thợ sắt, tay chân xăm trổ nhưng tính tình hiền khô, đem chiếc xô nhựa qua mua mấy ngàn đá để uống trọn một ngày.

Hàng tạp hóa nhỏ của tôi mùa hè nghiêng về phía nắng, buổi chiều chỉ hé cửa sợ nắng lọt vào. Mấy đứa học trò nghỉ học xin được ba mẹ mấy đồng, qua mua gói bim bim, đeo khẩu trang, dặn dò: "Con cô- vít nó nguy hiểm lắm đó, phải đeo khẩu trang để tránh giọt bắn". Phố buổi trưa chuẩn bị đi ngủ, chiếc chuông điện vang lên. Hàng xóm là vậy, họ không cần biết cửa hàng đóng hay mở, thích mua hàng là bấm chuông. Đôi khi bực mình ra mở cửa bán hàng càm ràm vài tiếng gọi là.

Phố là gam màu sống, là một phần đời của chúng ta. Là những chiếc xe phóng qua, dẫu mặt người đã che kín bởi khẩu trang, vẫn nhận ra đó là ai và gật đầu chào. Phố là hết ớt, hết hành cứ qua nhà hàng xóm xin. Là gởi với theo mua cái này cái nọ khi có người đi chợ. Là gặp nhau vào buổi sáng chủ nhật trước cổng nhà kể chuyện thế gian.

Cách phố không xa là cái chợ chồm hổm. Chợ đúng nghĩa chồm hổm bởi người bán cứ mang theo cái đòn ngồi, ngồi bên món hàng mình bán. Những món hàng ít thôi đủ cho người trong phố ghé mua. Cứ đi bộ ra đó vì gần nhà, hàng xóm cùng mua con cá, mớ rau. Đôi khi những bữa ăn của phố cũng giống con cá, mớ rau, có khác chăng là khác cách chế biến và người ngồi ăn.

Phố cũng có anh bán bánh mì rao bằng loa chạy ngang, tới chị bán đậu hũ chở thùng đậu hũ bằng xe đạp. Có cả tiếng rao mua: "Ai đồng hồ cũ, quạt máy, mô tơ, tủ lạnh hư… bán không?". Có mấy chị mua ve chai cứ hỏi: "Nhà có gì bán không?" Bán cho chị thì ít, cho thì nhiều, bởi hơn thua với người khó khăn cũng chẳng để làm gì.

Phố cũng có những tiếng cãi nhau ở gia đình này, gia đình kia. Khi con người ta bi thương hoặc không hài lòng thì phải cố hét to lên, vì khi ấy lời đớn đau phải bay lên bầu trời mới truyền lại được cho người kia- cổ nhân từng nói thế. Phố của tôi hay phố của anh chị là thế, chúng ta có một con phố rềnh rang tiếng karaoke vì một ngày vui nào đó, hoặc đứng trước cửa nói vói: "Chiều mời anh chị qua nhà em uống ly rượu mừng con em đậu đại học".

Nhưng bây giờ con phố đã ngủ rồi.  Hàng cháo lòng nghỉ bán, chẳng có chiếc xe nào để ké ở sân nhà. Chợ chồm hổm đã dẹp, chẳng ai gặp nhau để bữa ăn nhà này giống nhà kia. Chị mua ve chai đã nghỉ, vội về quê trốn dịch. Đôi mắt chị ẩn buồn câu chuyện áo cơm. Anh ba gác gác xe vì không có ai thuê chở hàng, anh không mua bia giải khát. Và những tiếng rao mua cũng không còn trong lao xao của gió.

Buổi tối con đường không một bóng xe qua. Thành phố đang giãn cách. Buổi tối  tất cả những ngôi nhà đã khép cửa.

K.VIỆT TRƯỜNG