Báo Công An Đà Nẵng

Ghi ở bãi vàng Khe Đương (3)

Thứ bảy, 18/10/2014 12:38

* KỲ CUỐI: LÀM GÌ VỚI BÃI VÀNG KHE ĐƯƠNG?

(Cadn.com.vn) - Trong 8 năm, hai bận Khe Đương “dậy sóng” là 2 lần bãi vàng này ở trạng thái “thả nổi”, không có đơn vị nào tiếp quản khai thác theo giấy phép. Sau cơn sốt “có đi có trúng” năm 2006 khiến đêm nào Hòa Bắc cũng rậm rịch như thời chiến, Cty Trường Sơn được UBND TP Đà Nẵng cấp phép khai thác và trở thành ông chủ của tiểu khu 29. Từ đó đến đầu năm 2014, bãi vàng tạm lắng vì bất khả xâm phạm. Nhưng đến giai đoạn công nghệ lạc hậu, nguồn lợi cạn dần, gây ảnh hưởng đến môi trường, không thực hiện các cam kết với chính quyền địa phương, thành phố quyết cắt đứt duyên nợ, Trường Sơn lịch kịch rút quân thì các “đầu nậu” bắt đầu nhập bãi, phu vàng lại rầm rộ kéo về. Cơn sốt vàng lại làm đau đầu cơ quan chức năng.

Tháng 7-2007, UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho Cty Trường Sơn được lập dự án khai thác, chế biến vàng tại mỏ vàng Khe Đương. Đến tháng 3-2008, UBND thành phố đã cấp giấy phép cho đơn vị này chính thức khai thác trên diện tích 22ha trong thời gian 36 tháng. Sau đó, trên cơ sở đề xuất của đơn vị khai thác, Sở TN-MT thành phố đề nghị gia hạn thêm 2 năm với điều kiện Trường Sơn thực hiện tốt các quy định trong khai thác và chế biến. Nghĩa là tính cả thời gian gia hạn, Cty Trường Sơn được phép khai thác vàng tại Khe Đương đến tháng 3-2013 là hoàn trả lại bãi vàng; đồng thời có trách nhiệm hoàn thổ, trồng lại rừng theo quy định.

Tuy vậy, đơn vị đã từng làm người dân 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí của xã Hòa Bắc khổ sở vì nguồn nước thượng nguồn ô nhiễm, cù nhầy đến tháng 6-2014 mới rút hẳn. Trái với những cam kết ban đầu, đơn vị này đã bỏ mặc Khe Đương với khung cảnh nham nhở, hoang tàn. Thay vì hoàn thổ, Cty này đã... độn thổ! Thay vì trồng cây, đơn vị này để lại những bãi đất trơ trọi!

Đối với các “đầu nậu” chuyên khai thác vàng trái phép thì đây là cơ hội “vàng” đúng nghĩa. Và máy móc được huy động vào cáy xới, phu vàng khắp nơi kéo nhau lên mót xái, tọ mọ trên trận địa mà Trường Sơn để lại. Nhiều người tinh tường khẳng định rằng câu chuyện một người dân ở xã Hòa Liên trúng 16kg vàng hồi giữa năm chính là nước cờ để các đầu nậu thu hút sự chú ý của phu vàng nhằm làm luật ngay tại bãi vàng. Kể từ thời điểm đó, lực lượng CA, kiểm lâm, dân quân và chính quyền H. Hòa Vang phải luân phiên chia quân lên truy quét, ổn định tình hình.

Nhưng lực lượng mỏng, địa hình hiểm trở, phức tạp, lại bắt đầu vào mùa mưa nên việc truy quét như đá ném ao bèo. Chính quyền ra quân thì vàng tặc thu quân, lực lượng truy quét tạm nghỉ thì vàng tặc trở lại và… lợi hại hơn xưa. Lãnh đạo Sở TN-MT thành phố cũng quan ngại, nếu bãi vàng này không có một đơn vị khai thác danh chính ngôn thuận, ở trong trạng thái không có chủ thì sẽ rất khó khăn trong công tác đảm bảo ANTT.

Thu gom phương tiện của các đối tượng khai thác vàng trái phép.

Trước nguy cơ thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản cũng như tiềm ẩn sự phức tạp về ANTT, mới đây UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương cho phép Cty CP tư vấn và đầu tư Bông Sen Vàng (Cty Bông Sen Vàng) được lập thủ tục thăm dò, khai thác điểm vàng Khe Đương theo diện tích đã cấp trước đây cho Cty Trường Sơn là 22ha. Ông Phan Văn Định - Phó phòng Khoáng sản, Sở TN-MT cho hay, để được cấp giấy phép, Cty Bông Sen Vàng phải lập đề án để Sở thẩm định trình UBND thành phố, báo cáo Bộ TN-MT phê duyệt khu vực khoáng sản phân tán và nhỏ lẻ. Và đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn chưa có giấy phép trong tay. Trong khi Bông Sen Vàng chưa thể khai thác tại Khe Đương, UBND thành phố đã có Công văn số 8434/UBND ngày 19-9-2014 giao CATP chủ trì, kết hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý việc khai thác vàng trái phép tại khu vực này.

* Anh Phan Văn Cảnh - Người dân thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc:

“Chúng tôi ở dưới chân mỏ vàng nhưng không khai thác vàng trái phép. Vì chúng tôi nghĩ đến hậu quả của nó đối với cuộc sống của mình. Doanh nghiệp nào khai thác chúng tôi không cần biết, nhưng họ nên có trách nhiệm với địa phương. Đó là đóng góp cho đời sống dân sinh, giải quyết cho thanh niên một ít việc làm, xây cái nhà sinh hoạt cộng đồng... Quan trọng là đừng xâm hại đến môi trường. Nếu còn như Cty Trường Sơn, chúng tôi không bỏ qua nữa đâu”.

* Ông Nguyễn Thế Tuấn -
người đại diện Cty Bông Sen Vàng:

“Chúng tôi đang trong giai đoạn tiến hành các thủ tục để được cấp phép. Khi được phép khai thác, chúng tôi sẽ đặt vấn đề công nghệ lên hàng đầu để đảm bảo không tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Còn trách nhiệm với địa phương là lẽ đương nhiên. Chưa thể nói cụ thể, vì nó tùy thuộc vào việc đánh giá trữ lượng mà chúng tôi có thể khai thác được, nhưng chúng tôi cam kết sẽ có đóng góp nhất định cho đời sống của bà con”.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cho hay, ngay từ khi UBND thành phố có văn bản chỉ đạo, Phòng CSBV&CĐ đã phối hợp với BCHQS thành phố, Sở TN-MT, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Cảnh sát Môi trường, CAH Hòa Vang và các đơn vị thuộc chính quyền H. Hòa Vang quyết liệt triển khai truy quét, tuần tra để giữ gìn ANTT tại 2 tiểu khu này. Về cơ bản, Khe Đương đã ổn định, hầu hết người dân của các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh… từng tham gia làm vàng tại đây đã rút khỏi địa bàn, một số phương tiện, máy móc của người dân còn để lại đã được lực lượng liên ngành niêm phong để thông báo trả lại.

“Lực lượng CA đổi quân liên tục để vừa chốt chặn vừa TTKS kết hợp với tuyên truyền, vận động. Các trường hợp ngoan cố sẽ tiến hành cưỡng chế và buộc cam kết không tái phạm. Lực lượng chức năng sẽ quyết liệt với 2 mục đích là giữ gìn tài nguyên khoáng sản của Nhà nước và bảo vệ an toàn cho người dân” - Đại tá Nguyễn Văn Chính cho hay. Cũng theo Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng, về lâu dài, chỉ có cấp phép cho doanh nghiệp khai thác với việc đảm bảo các cam kết đặt ra từ chính quyền thì tình hình ANTT mới ổn định lâu dài được. Vì khi doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư, nộp thuế cho Nhà nước thì bản thân họ sẽ có phương án bảo vệ tốt cho khu vực mà mình quản lý và khai thác.

Theo ông Nguyễn Thế Tuấn, đại diện Cty Bông Sen Vàng, do chưa được cấp giấy phép khai thác nên thời gian qua Cty chỉ cử vài người lên tiến hành trồng cây, hoàn thổ những vị trí mà Trường Sơn để lại. Trong khi đó, dù có biết người khác khai thác trái phép tại tiểu khu 29 thì đơn vị không có thể cấm cản vì trên thực tế họ chưa có quyền. “Dù chưa đường đường chính chính để khai thác vàng tại khu vực này nhưng chúng tôi đang hợp tác với chính quyền để dọn dẹp những gì mà Cty Trường Sơn để lại. Thậm chí việc trồng lại cây đáng ra họ phải làm trước khi rút đi, nhưng bây giờ chúng tôi vẫn chủ động đề xuất được thực hiện” - ông Tuấn cho hay. Về những quan ngại của người dân cho rằng, liệu Bông Sen Vàng có thể trở thành phiên bản của Trường Sơn, tức là doanh nghiệp hưởng lợi còn người dân lãnh hậu quả? Ông Tuấn khẳng định là sẽ khai thác vàng một cách chuyên nghiệp, nếu vi phạm, đã có cơ quan chức năng xử lý.

Đúng là để bãi vàng Khe Đương yên ổn, chắc chắn phải có đơn vị đứng ra khai thác và quản lý, dưới sự giám sát của chính quyền và ngành chức năng địa phương. Cơn sốt vàng 2006 cũng như trong vài tháng qua là một bài học, việc khai thác kiểu bất chấp cuộc sống người dân như Cty Trường Sơn cũng là một bài học cho chính quyền Đà Nẵng trong việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản.

Phóng sự: Công Khanh