Báo Công An Đà Nẵng

Ghi ở bãi vàng Khe Đương

Thứ năm, 16/10/2014 09:40

* Kỳ 1: Rùng mình vào hầm vàng

(Cadn.com.vn) - 8 năm kể từ cơn sốt năm 2006, chúng tôi trở lại bãi vàng Khe Đương (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sau khi ở đây có dấu hiệu nóng bỏng trở lại với tin đồn nhiều người trúng vàng. Lợi dụng việc Cty Trường Sơn không đủ điều kiện để tiếp tục khai thác, rút hết quân tại bãi vàng này, nhiều “đầu nậu” đã huy động máy móc lén lút “rút ruột” tài nguyên của Nhà nước. Nhiều người dân nghe đồn có người trúng đậm cũng khăn gói kéo nhau lên núi tìm vàng. Theo chân lực lượng liên ngành triển khai truy quét, đẩy đuổi, vận động các đối tượng khai thác vàng trái phép, chúng tôi nhận thấy rằng, tuy không nóng bỏng như hồi năm 2006 nhưng tình hình tại mỏ vàng đang tiềm ẩn nhiều phức tạp về ANTT.

Lực lượng Tham mưu trinh sát địa bàn trước khi triển khai truy quét, phong tỏa hầm vàng.

Con dốc Dằn Mặt vẫn thách thức những ai muốn vượt nó, kể cả dùng “ngựa chiến” cũng như đi bộ. Không hổ danh với tên gọi, nó khiến đoàn truy quét khổ sở, trầy trật hàng giờ đồng hồ mới vượt qua. Tôi lạnh người khi nghĩ tới cảnh tượng 8 năm trước, khi phu vàng nối nhau cõng trên vai cả bao tải đất dăm chục ký từ trên bãi cắt rừng đi bộ 3 giờ đồng hồ đem về dưới xuôi đãi lấy vàng. Mỗi ngày làm 3-4 chuyến. Vậy là thành cơn sốt khiến cơ quan CA phải cắm chốt, ăn ngủ hằng tháng trời giữa chốn thâm sơn mới vãn hồi được tình hình...

Tôi ở cùng lán với lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động (CSBV&CĐ), ngay bên miệng căn hầm đã “gắn bó” với mình cũng như nhiều anh em trong đoàn hồi năm 2006. Nói nó “gắn bó” bởi vì từ trong đường hầm chính cũng như các nhánh xương cá, lực lượng CA đã từng phải trực tiếp vào vận động và đẩy đuổi hàng chục đối tượng tìm cách cố thủ. Thậm chí, ngay trong đêm bị đẩy đuổi ra ngoài, các đối tượng này còn hung hãn dùng đá tấn công lại lực lượng chức năng từ trên cao hòng chiếm lại hầm. Với kinh nghiệm ăn dầm nằm dề ở Khe Đương, Trung tá Lê Văn Đông - Phó trưởng phòng CSBV&CĐ cảnh báo: “Ngay phía dưới và xung quanh lán trại của Cty Trường Sơn để lại là hệ thống hầm nhánh, hầm thở đã bị phá vỡ kết cấu. Nhiều ụ đất có vai trò như trụ hầm đã bị đánh sập để lấy đất đãi vàng, hệ thống chống đỡ cũng đã mục nát. Chính vì vậy, chúng có thể sụp bất cứ lúc nào”.

Một cây gỗ mục dùng làm trụ trên một hầm vàng nguy hiểm.

Tại tiểu khu 27, Cty Trường Sơn ra đi bỏ lại 9 miệng hầm sâu hun hút. Xen kẽ vào đó, các “đầu nậu” khai thác trái phép trong thời gian qua đã khoét thêm 3 hầm mới với nhiều dấu vết khai thác bằng thuốc nổ. Càng vào trong, việc hít thở không khí đã trở nên khó khăn rồi chứ chưa nói đến thảm họa sập hầm. Chúng tôi không đủ liều để có thể vào quá sâu hay tách ra các hầm nhánh, vừa đi vừa đánh tiếng xem thử có ai còn nấp ở trong. Cứ tưởng tượng chẳng may bị lạc hoặc có tác động gì đó khác thường thì cũng sẽ nguy vì hoảng loạn, khó tìm lối ra. Càng đáng sợ hơn khi chúng tôi tận mắt nhìn hệ thống chống đỡ của những khối đất khổng lồ là những thân cây nhỏ đã mục, có thể bóc được bằng móng tay. Đất đai nhão nhoẹt, nước giọt tong tong. Đèn flash máy ảnh đánh lên, âm thanh dội nhẹ trong hầm mà cũng toát cả mồ hôi hột!

Vừa ra khỏi “hệ thống địa đạo” của dân làm vàng, đi một quãng, cả đoàn chúng tôi thấy có gì là lạ dưới chân. Nhìn xuống mới biết là đang đứng trên một cái hố mới bị lấp lại. Bằng kinh nghiệm truy quét vàng tặc, tổ công tác đã tiến hành “khui hầm” và đưa lên rất nhiều dụng cụ làm vàng như máy hơi, máy khoan, cờ-lê, can đựng dầu... Đó là câu chuyện không lạ, mỗi khi biết được sắp có lực lượng tuần tra, truy quét, các đầu nậu sẽ chỉ huy phu vàng cất giấu hết phương tiện. Thuận tiện thì kéo vào rừng, khó khăn quá sẽ cho “độn thổ”.

Bên trong một hầm vàng đã xuống cấp, tưởng chừng có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Chúng tôi ngược lên tiểu khu 29 đúng vào buổi sáng trời mưa. Dốc Phủ Đầu một bên là gai góc rậm rạp, một bên là vực sâu hun hút, những hòn đá tảng vừa trơn trượt lại vừa sắc lẻm, dựng đứng. Mà cũng lạ, các “thiên đường vàng” thường thử thách những người quan niệm “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực” bằng những con dốc có cái tên rất quái gở. Trên Tây Giang có cái dốc Câm Mồm, là vì leo nó là không ai còn nói năng gì được nữa. Ở Phước Sơn lại có dốc Xâm Xoàng vì đi lên hay đi xuống cũng tối tăm mặt mũi. Lên Khe Đương lại khởi động bằng dốc Dằn Mặt rồi “vượt chướng ngại vật” với dốc Phủ Đầu. Theo kinh nghiệm của Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, ông Nguyễn Đình Nam, trong khi cơ quan chức năng thường tiếp cận tiểu khu 29 bằng con đường này thì vàng tặc có thể xé rừng từ bất cứ địa điểm nào vừa thuận lợi cho việc đi lại vừa rút quân dễ dàng khi phát hiện có lực lượng truy quét. Cho đến gần giữa năm 2014, tiểu khu 27 thuộc diện mỏ vàng được cấp phép thì tiểu khu 29 lâu nay vẫn là lãnh địa của dân làm vàng trái phép. Lán trại vừa được tháo dỡ trong đợt tuyên truyền, vận động do CATP Đà Nẵng tiến hành những ngày qua nhưng tại nhiều vị trí vẫn còn chén bát, dầu ăn, mắm muối, tro còn mới, củi cháy dở. Đây là dấu hiệu minh chứng cho việc khai thác vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, dù lực lượng chức năng đã vào cuộc bằng nhiều biện pháp. Trời mưa là dịp tốt nhất để có thể tận mắt thấy được độ nguy hiểm của các hầm vàng. Lạnh lẽo và đầy bất trắc. Theo Trung úy Lê Hải Thịnh (CAH Hòa Vang), thời gian qua, CA phối hợp với KL của huyện đã thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, vận động, cần thiết thì phải tiến hành cưỡng chế các đối tượng làm vàng trái phép ra khỏi khu vực này để vừa bảo vệ nguồn tài nguyên của Nhà nước cũng như an toàn tính mạng cho bản thân họ. Tuy vậy, chỉ khi nào có lực lượng chức năng hiện diện thì tình hình mới tạm lắng. Mỗi khi lui quân thì các đối tượng lại lén lút tiếp cận và khai thác.

“Động không đáy”.

Với sự chỉ huy của lực lượng CA, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân, đẩy đuổi các “đầu nậu” ra khỏi các bãi vàng, tổ công tác đã tạm giữ nhiều phương tiện dùng cho khai thác vàng trái phép, đồng thời tiến hành phong tỏa, canh gác, bảo vệ tại các hầm. “Theo chỉ đạo của Giám đốc CATP, chúng tôi không phá hủy bất cứ một phương tiện nào, vì đây là tài sản của người dân. Tất cả sẽ được thống kê, báo cáo về cho địa phương, người dân có thể liên hệ làm thủ tục nhận lại và cam kết không được sử dụng nó để khai thác vàng trái phép” - Trung tá Lê Văn Đông cho hay. Cũng theo người trực tiếp chỉ huy công tác truy quét tại Khe Đương, khi mùa mưa đang đến, các hầm khai thác vàng sẽ trở nên rất nguy hiểm. Chính vì vậy, các cơ quan chuyên môn của thành phố cần phải có phương án để đảm bảo sự an toàn.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, BCH Quân sự TP Đà Nẵng và các cơ quan tham mưu cũng đã từng đề cập đến phương án dùng thuốc nổ đánh sập những căn hầm này, nhưng hiện tại Quân khu V chưa đồng ý, vì chưa thể đánh giá những tác động mà nó mang lại, đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và yếu tố địa chất.

Phóng sự: Công Khanh
(còn nữa)