Ghi ở Bệnh viện nhân văn
(Cadn.com.vn) - Không ai chọn được bệnh tật nhưng họ có thể chọn nơi điều trị phù hợp với mình. Với người nghèo thì ngay cả chọn nơi điều trị cũng ngoài tầm tay. Nhưng mọi chuyện có thể khác khi họ tìm tới Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, nơi mà không ít người vẫn cho rằng đó là "Bệnh viện nhân văn" chưa từng có ở Việt Nam.
Chỉ tốn tiền xe đò
Người ta nói về HIV là căn bệnh thế kỷ nhưng con người phải giật mình khi biết rằng chính ung thư mới đang là bệnh tước đi mạng sống nhiều người nhất hiện nay. Thế giới đã có những tỷ phú đô la có thể chữa trị ở những bệnh viện hiện đại nhất, máy móc tiên tiến nhất nhưng vẫn không thoát khỏi cái chết do bệnh ung thư mang lại.
Nói vậy để thấy, những người nghèo khi mắc ung thư vẫn được chữa trị bằng máy móc tiên tiến nhất thế giới hiện nay ở BV Ung thư Đà Nẵng mà không mất một đồng phí nào thì quả là nhân văn. Tại tầng 2 BVUT, nơi điều trị cho những bệnh nhân giai đoạn cuối, mà như tâm sự của các bác sĩ, điều trị để chờ …cái chết đến.
Một số bệnh nhân tâm sự, biết rằng những ngày cuối đời, nếu phải lìa xa thì cũng thấy nhẹ nhàng vì ít nhất không phải chịu cái cảnh 2-3 người một giường, không gian ngột ngạt, đầu óc căng thẳng, thể xác giày vò đớn đau. Tôi tin rằng những lúc này họ nói thật lòng. Bệnh nhân Lê Thành (60 tuổi) ở xã Nghĩa An - Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đang điều trị ung thư trực tràng cho biết, trước đây mỗi chuyến vào TP HCM điều trị 5-7 ngày tốn kém trên 10 triệu đồng, nhưng vài tháng nay khi ra Đà Nẵng thì chẳng tốn đồng nào.
Hơn nữa không gian trong phòng thoáng đãng, mỗi người một giường, không chịu cảnh sặc sụa mùi thuốc, hơi người như trước kia. Quá bất ngờ vì được điều trị trong môi trường thoáng đãng, thái độ của bác sĩ, y tá niềm nở, ông Thành thủ thỉ với con trai rằng hãy bỏ bì thư vài trăm ngàn đồng để "cảm ơn" bác sĩ. Nhưng điều làm ông "lạ" là chẳng ai nhận. Câu chuyện của ông Thành đặt ra suy nghĩ, tại sao BS từ chối một việc bình thường nếu không nói là đương nhiên bỗng trở thành "hiện tượng lạ" với bệnh nhân?
4 giờ chiều, anh Ngô Bá Lộc (39 tuổi ở xã Quế Lộc- Nông Sơn- Quảng Nam) xuống nhà ăn BV lấy cháo xay về bón cho ba ăn. Từ một năm nay đây là công việc đều đặn ngày 3 lần của anh Lộc và chị gái ở BVUT. Ba anh Lộc bị ung thư thực quản, mẹ đã mất cách đây 20 năm, nhà còn 2 chị em đều đã lập gia đình, nhưng đều làm nông, cuộc sống cực khổ.
Khi phát hiện ba bị ung thư 2 chị em rất trăn trở không biết lấy tiền đâu để chữa trị, nhưng khi xuống BVUT, được điều trị miễn phí, có chỗ ở miễn phí, ăn uống miễn phí, chị em anh Lộc mừng phát khóc. Anh Lộc kể, khi bước vào nhà ở cho người thân chăm sóc bệnh nhân, anh khá bỡ ngỡ vì nó sạch đẹp, tiện nghi chẳng khác gì khách sạn.
Nhớ lại những lần chăm sóc vợ đau ở bệnh viện khác phải trải chiếu nằm ngủ hành lang, đụng đến bất cứ việc gì cũng tốn tiền anh không khỏi rùng mình. Ba ruột điều trị ở đây hơn 1 năm, anh Lộc bảo chỉ tốn tiền xe đò giữa Đà Nẵng- Nông Sơn là chính.
Vì sao gọi "bệnh viện nhân văn"
Đem thắc mắc của nhiều người, rằng đây là bệnh viện công hay tư trao đổi với BS Nguyễn Hồng Long- Phó Giám đốc BVUT, ông không ngần ngại chia sẻ: "Đây là mô hình bệnh viện chưa từng có ở VN, không phải công cũng chẳng phải tư. Nói gọn là bệnh viện nhân văn. Là bởi nó vẫn có vốn của Quốc Hội (khoảng 300 tỷ đồng), ngoài ra là đóng góp của các tổ chức từ thiện xã hội, của những cá nhân hảo tâm và của chính người dân".
Lại đặt câu hỏi, nếu BV hoạt động nhân đạo thế thì kinh phí đâu mà duy trì được? BS Long nói: Một phần Bảo hiểm chi trả, một phần các "Mạnh Thường Quân" ủng hộ và vẫn có một phần hoạt động dịch vụ. Cụ thể BV hiện có 400 giường cũng tương đương ngần đó bệnh nhân điều trị (60% ngoại tỉnh).
Trong số đó, hơn 30% bệnh nhân có bảo hiểm nghèo, được BV miễn phí 100% chi phí điều trị. Bắt đầu từ năm nay, BV sẽ điều trị miễn phí cho tất cả bệnh nhân có bảo hiểm nghèo từ Quảng Bình tới Nha Trang (thay vì chỉ ở Đà Nẵng như trước), nếu tính chi phí cũng phải hơn 10 tỷ đồng/năm.
Để giải thích vì sao lại gọi "Bệnh viện nhân văn", BS Long nói thêm: Ngoài miễn phí chữa bệnh cho người nghèo, BV còn có 400 giường cho người thân ở miễn phí, mỗi ngày bệnh nhân được 3 bữa ăn miễn phí. Chi phí cho những hoạt động này cũng đi vận động từ thiện cả, ví như Cty Đắc Vinh họ ủng hộ xương, thịt heo; Cty thủy sản Đông Phương họ cho cá hồi, rồi người dân họ cho gạo, dầu, mắm muối chúng tôi nhận hết để lo bữa ăn cho bệnh nhân nghèo.
Nhưng điều nhân văn hơn theo BS Long chính là việc người dân nghèo nhưng lại được khám chữa miễn phí bằng máy móc kỹ thuật thuộc thế hệ hiện đại nhất thế giới ngày nay. Ví như máy Xạ trị gia tốc tuyến tính (trị giá 150 tỷ đồng) ở VN có không quá 3 cái.
50% các ca phẫu thuật sau đó đều phải xạ trị, trung bình mỗi đợt xạ trị tốn kém khoảng 15 triệu đồng, nhưng bệnh nhân nghèo được miễn phí 100%. Ngoài ra còn máy cộng hưởng từ 3 tesla trị giá hơn 30 tỷ đồng, máy SbeCT-CT trị giá khoảng 15 tỷ đồng... Bên cạnh máy móc hiện đại thì đội ngũ nhân lực phục vụ ở BV hầu như 100% đều được đào tạo sau đại học chuyên ngành Ung thư.
Khi mà đến bệnh viện ở Việt Nam giờ là nỗi ám ảnh với nhiều người, đặc biệt với người nghèo, nhưng có thể họ sẽ thay đổi cách nghĩ khi tới BVUT Đà Nẵng, ít nhất ở góc độ hiện đại và nhân văn.
Hải Quỳnh