Ghi ở khu cách ly
Hơn 2 tháng qua, Việt Nam ghi nhận không có ca nhiễm Covid-19 nào lây lan trong cộng đồng. Để có được "kỳ tích" này, ngoài ý thức tự phòng bệnh của người dân còn có sự nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ, quân đội, công an trong các khu cách ly.
Bên ngoài khu cách ly được bảo vệ nghiêm ngặt. |
Ngày 30-6, chúng tôi có mặt tại Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân V tại xã Bình Phục, H. Thăng Bình (Quảng Nam), nơi được trưng dụng làm khu cách ly cho 345 công dân trở về từ đất nước mặt trời mọc. Yên bình, ấm áp, nền nếp... là những gì mà ai cũng có thể cảm nhận được khi đặt chân đến đây.
Đại tá Lê Văn Quyển - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Chỉ huy khu cách ly, giới thiệu: Để theo dõi, chăm sóc sức khỏe... cho 345 công dân từ Nhật Bản trở về vào ngày 24-6-2020, tỉnh Quảng Nam đã huy động gần 70 CBCS từ các ngành quân đội, y tế, công an. Mỗi ngày, lực lượng thường trực phải tiến hành các công việc chuyên môn theo phân công, như: đi chợ mua thực phẩm, chế biến thực phẩm, đo thân nhiệt... đảm bảo từng bữa ăn phải đủ về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời tiến hành thăm khám sức khỏe và hỗ trợ, động viên các công dân về tinh thần giúp họ yên tâm thực hiện thời hạn cách ly phòng, chống dịch đúng quy định.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam: Thực hiện Kế hoạch 181/KH-UBND, ngày 23-6-2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về tiếp nhận công dân Việt Nam từ Nhật Bản về khu vực cách ly tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ huy khu cách ly, lên kế hoạch tiếp nhận khám và chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các công dân này trong thời gian cách ly phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, vấn đề mà Ban Chỉ huy khu cách ly hết sức quan tâm, thường xuyên quán triệt các lực lượng làm việc tại đây là phải chu đáo, nhiệt tình với các công dân, nhất là trong chăm lo từng bữa ăn, đảm bảo điều kiện sức khỏe và điều kiện sinh hoạt cũng như gần gũi, tâm sự, động viên, thấu hiểu và chia sẻ, tháo gỡ những thắc mắc của các công dân trong suốt thời gian thực hiện việc cách ly.
Thiếu tá Phan Bá Anh - Trợ lý dân vận Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: Bà con từ nước ngoài về đây có rất nhiều nhu cầu thông tin về gia đình, quê hương nên chúng tôi luôn thường xuyên gần gũi, trao đổi để họ yên tâm, hoàn thành thời gian cách ly. Trong 345 người thực hiện việc cách ly đợt này, 2 người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần nên buộc phải đưa đi điều trị tại bệnh viện và 1 người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối được chuyển ra Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Khu vực chế biến thức ăn đảm bảo sạch sẽ. |
Theo tìm hiểu, tất cả những người cách ly tại cơ sở Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân V đều có thái độ lạc quan, vui vẻ. Theo họ, không có gì sung sướng, hạnh phúc hơn khi được hít thở bầu không khí trong lành của đất mẹ, được nghe tiếng nói của dân tộc, được chăm sóc tận tình như tại gia đình.
Thiếu tá Trần Việt Bắc - Phụ trách hậu cần tại khu cách ly cho hay: Để đảm bảo sức khỏe các công dân tham gia đợt cách ly, theo phân công của chỉ huy, bộ phận hậu cần phục vụ nhu cầu ăn, uống và sinh hoạt của các công dân có 23 người. Mỗi ngày chúng tôi bắt tay vào công việc từ 4 giờ sáng, phân công nhau đi chợ mua thực phẩm, nấu và chế biến thức ăn, mang thức ăn đến tận phòng các công dân và thức ăn được lấy mẫu, kiểm tra để đảm bảo về ATVSTP. Theo đó, chế độ mỗi người được cấp là 76.000 đồng/ngày nên bữa ăn của các công dân mỗi ngày đều đảm bảo dinh dưỡng với 5 món gồm: thịt, trứng, cá, rau, củ quả. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân công nhau đến các phòng để dọn dẹp, giặt giũ mùng mền, chăn gối và động viên, hỗ trợ các công dân khi họ có nhu cầu cần giúp đỡ. Nhiều khi anh em cũng nghĩ đến sự nguy hiểm nếu nhỡ không may có người cách ly dương tính với virus thì với sự gần gũi và thường xuyên tiếp xúc của mình, dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, được sự động viên của chỉ huy và với suy nghĩ mình phải là chỗ dựa để các công dân từ nước ngoài trở về đang cần sự hỗ trợ, giúp đỡ nên chúng tôi luôn hết lòng chia sẻ, giúp đỡ.
M.T