Báo Công An Đà Nẵng

Ghi ở một di tích lịch sử cách mạng

Thứ ba, 02/06/2020 16:33

Ngày 12-5, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định 1683/QĐ-UBND về việc xếp hạng Địa điểm chiến thắng Gò Hà (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) là Di tích lịch sử cấp TP nhằm khẳng định giá trị lịch sử về ý chí quật cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh của quân và dân Quảng Nam- Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bia ghi nội dung chiến thắng Gò Hà (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) hiện nay đã xuống cấp.

Cứ điểm Gò Hà án ngữ các thôn La Châu, Hương Lam, Phú Sơn (xã Hòa Lương cũ, nay là xã Hòa Khương) ra tuyến QL14B. Lợi dụng địa hình đồi cao, địch xây dựng cứ điểm này để khống chế một vùng chiến lược rộng lớn, nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, giáp ranh giữa căn cứ của ta và những vùng tạm chiếm. Bom đạn của địch cài đặt trong mỗi tấc đất. Lúc đó, dân làng khoảng 40 hộ, phần lớn là những gia đình có con em, người thân thoát ly theo cách mạng. Họ bám trụ để sản xuất, giữ mối liên hệ giúp đỡ người nhà đồng thời cũng là những cơ sở kiên trung. Vì vậy họ phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm hoặc quản thúc. Song, sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy ngụy quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà chỉ gieo rắc thêm nỗi căm hờn. Đêm bị quản thúc, sáng ra họ tăng gia sản xuất, ủng hộ cách mạng... 

Sau ngày đất nước thống nhất, từ vùng đất  hoang sơ đầy rẫy bom mìn địch, cứ điểm này được các cấp chính quyền đầu tư, mở rộng địa giới hành chính và thành lập thêm thôn Gò Hà với gần 300 hộ dân đã vươn mình với tư thế vững chãi, khẳng định một sức sống mới. Toàn thôn không còn nhà tranh mái lá, tất cả các con đường liên thôn 5,5m, kiệt hẻm 3,5m, giao thông nội đồng đều được bê-tông kiên cố và lắp đặt hệ thống chiếu sáng với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đến nay, thu nhập bình quân đầu người 49,2 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm... Có thể thấy, lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Gò Hà đã góp phần hình thành một miền quê đáng sống, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, môi trường sống trong lành, an ninh chính trị bảo đảm. Màu xanh sự sống đã khỏa lấp dấu tích chiến tranh thuở nào... "Nhờ những quyết sách thích ứng và hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, cùng với sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền địa phương, Gò Hà ngày càng có những bước tiến vững chắc trên hành trình đổi mới và đang nỗ lực xây dựng thành công mô hình Thôn kiểu mẫu nông thôn mới, xứng danh là vùng đất anh hùng", Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí xác nhận.

Theo cư dân địa phương, năm 1999, chiến tích Gò Hà đã được UBND TP công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Nơi đây vẫn còn tấm bia ghi rõ nội dung: "Đêm 31-10-1965, Tiểu đoàn 1 (R20) được tăng cường một Trung đội bộ đội H. Điện Bàn, một Tiểu đội đặc công H. Hòa Vang và du kích các xã Hòa Phong, Hòa Khương đã bí mật tiến công cứ điểm Gò Hà do một Đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ đóng giữ trong công sự kiên cố. Kết quả ta đã tiêu diệt 200 tên địch, phá hủy 2 xe bọc thép, thu 100 súng các loại. Đây là trận tiến công tiêu diệt đơn vị Mỹ trong công sự vững chắc đầu tiên trên chiến trường khu 5. Chiến thắng Gò Hà lúc bấy giờ đã củng cố thêm niềm tin và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân Quảng Nam- Đà Nẵng". Tuy nhiên, qua nhiều năm không được tu bổ, tấm bia đã bong tróc lớp sơn, xuống cấp trầm trọng, riêng công trình Tượng đài chiến thắng Gò Hà với quy mô diện tích hơn 1ha theo dự kiến đầu tư xây dựng của TP từ năm 2015 đến nay vẫn chưa được triển khai...

"Với chúng tôi, mỗi di tích lịch sử cách mạng đều mang trong mình những giá trị khác nhau về con người, vùng đất và trên hết là "kể" lại câu chuyện dựng nước và giữ nước của lớp cha anh đi trước để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay", thương binh Lê Lại (1946) - người đã gắn bó với vùng đất Gò Hà từ khi còn là du kích trải lòng.

VY HẬU