Báo Công An Đà Nẵng

Ghi ở “tọa độ nóng”

Thứ hai, 19/05/2014 13:46

* Kỳ 1: Vượt biển

(Cadn.com.vn) - Bất chấp những phản ứng của Việt Nam và quốc tế, những ngày qua hàng trăm tàu của Trung Quốc vẫn liên tục có hành động cản trở các lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên biển. Một tuần theo chân lực lượng chấp pháp Việt Nam, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và ghi lại những hành động ngang ngược, gây hấn của Trung Quốc ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tôi tự hào khi lần đầu tiên trong đời được đặt chân đến Hoàng Sa - vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng là một trong những phóng viên đầu tiên tiếp cận sát "điểm nóng" Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, để ghi lại những hành động gây hấn, leo thang của nhà cầm quyền nước này đối với lực lượng chấp pháp Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên biển.

10 giờ 45 ngày 10-5, tàu KN HP 926 của Kiểm ngư Việt Nam nhổ neo rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Tàu rẽ sóng xa dần cảng. Trên boong tàu, những khẩu hiệu "Hoàng Sa là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam", "Việt Nam đấu tranh đòi lại chủ quyền Hoàng Sa là chính nghĩa" luôn được cán bộ, nhân viên trên tàu hô vang át cả những đợt sóng. Niềm mong đợi một lần nhìn thấy Hoàng Sa của chúng tôi rồi cũng đến sau gần 24 giờ lênh đênh trên biển. 10 giờ 20 ngày 11-5, tàu chúng tôi tiếp cận vùng biển mà Trung Quốc đang có nhiều hành vi vi phạm, gây trở ngại cho các lực lượng chấp pháp Việt Nam. Cách mục tiêu Hải Dương 981 chừng 10 lý, trước mắt chúng tôi là hàng chục tàu Trung Quốc dàn hàng ngang với chủ ý ngăn cản, không cho bất kỳ chiếc tàu nào của Việt Nam tiến sâu vào hướng giàn khoan.

Hàng loạt tàu Trung Quốc vây hãm 1 tàu Kiểm ngư Việt Nam ngay trên vùng Đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ảnh: CÔNG HẠNH

Ông Nguyễn Cao Duy, cán bộ Kiểm ngư vùng 4 kể sự việc trong bức xúc: Để thực hiện mưu đồ, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị nhiều phương án rất kỹ lưỡng. Tại khu vực này, lúc nào họ cũng luôn duy trì 80-90 tàu hải cảnh, hải giám, tàu dịch vụ hoạt động gần khu giàn khoan và luôn chủ động va chạm, tấn công lực lượng chấp pháp của nước ta đang hoạt động trên biển, làm thiệt hại nhiều tàu và không ít cán bộ kiểm ngư, CS biển bị thương.

"Hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng biển Hoàng Sa Việt Nam là vụ việc nghiêm trọng nhất trong nhiều vụ vi phạm của Trung Quốc đối với vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây phức tạp tình hình trên biển Đông, vi phạm Luật pháp quốc tế mà Trung Quốc và Việt Nam đều tham gia, đặc biệt là Công ước Luật biển (UNCLOS) năm 1982, tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) cũng như nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề biển Đông", ông Duy nói.

Một tàu kiểm ngư của Việt Nam bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công
khi biên đội tiếp cận vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: CÔNG HẠNH

Trong chuyến ra khơi lần này, ông Duy là thuyền trưởng, chèo lái con tàu HP 926 xuất phát ngày 6-5 từ Hải Phòng vào Đà Nẵng để thẳng tiến tới Hoàng Sa. Ông kể, khi tàu qua vùng biển Quảng Bình, tất cả cán bộ, nhân viên trên tàu đã hướng mũi tàu về phía Tây Vũng Chùa, Đảo Yến - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang yên nghỉ kéo cờ Tổ quốc lên cột đèn bon thượng và thắp nén hương thành kính trên bàn thờ Bác Hồ, tự lòng hứa với Bác và Đại tướng rằng, lực lượng Kiểm ngư sẽ cùng với các lực lượng chấp pháp khác sát cánh bên nhau, quyết một lòng đấu tranh tuyên truyền, gìn giữ vững chắc vùng biển Hoàng Sa, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nói về những hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc, cán bộ phụ trách lực lượng Kiểm ngư còn cho hay, để đối phó với tàu Trung Quốc, lực lượng chấp pháp của chúng ta phải rất mềm dẻo, chọn con đường đấu tranh ngoại giao để tuyên truyền, vận động. Phương châm của ta là kiên quyết, nhưng cũng rất kiềm chế, không để xảy ra trường hợp tàu Việt Nam chủ động va quệt, đâm vào tàu Trung Quốc, mà thời gian qua, chỉ có tàu Trung Quốc có hành động tương tự gây hấn với ta, nhất là hành vi dùng vòi rồng áp lực cao uy hiếp, bắn vào tàu Việt Nam gây nhiều thiệt hại.

Phóng viên Báo CATP Đà Nẵng có mặt tại Hoàng Sa ngày 11-5.

11 giờ 15 cùng ngày, tàu HP 926 của chúng tôi cùng một số tàu Kiểm ngư, CS biển cơ động máy, hướng vào giàn khoan để đấu tranh tuyên truyền. Khi đến 15023'N độ vĩ Bắc, 1110'07E độ kinh Đông (cách giàn khoan 8 lý, khoảng gần 13km), lập tức bị nhiều tàu lớn Trung Quốc từ các hướng tăng tốc lao ra ngăn cản. Nếu không kịp tránh va chạm, nhiều tàu Việt Nam đã bị số lượng đông tàu Trung Quốc rất hung hãn đâm vào. Đây cũng là hình ảnh thực tế đầu tiên mà nhóm phóng viên chúng tôi chứng kiến sự gây hấn của tàu Trung Quốc đối với lực lượng chấp pháp của ta ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Ông Vũ Đức Tạo, Biên đội trưởng tàu Kiểm ngư vùng 4 - "thủ lĩnh" đã có mặt làm nhiệm vụ trên vùng biển này từ đầu tháng 5-2014 khẳng định, hành động của Trung Quốc đối với lực lượng chấp pháp của chúng ta là sai trái, nhưng cuộc đấu tranh gian khổ này còn kéo dài, nên chúng ta quyết không được manh động, có hành vi đáp trả quá khích làm tình hình căng thẳng thêm. Với Việt Nam, kiên quyết đấu tranh đòi công lý, lợi ích hợp pháp là tất nhiên, nhưng phương châm chỉ đấu tranh tuyên truyền để hỗ trợ cho đấu tranh ngoại giao. "Việt Nam luôn khẳng định là nước rất yêu chuộng hòa bình, nên sẽ không có hành động gì làm cho tình hình căng thẳng, xong vẫn quả quyết bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Tạo nói.

Ở nhiều tuyến khác, các biên đội tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam cũng bị tàu cá Trung Quốc vây ráp, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Ông Vũ Đức Tạo, có mặt ở Hoàng Sa từ những ngày đầu tháng 5 kể lại rằng, trong vòng nửa tháng qua, có hàng chục tàu kiểm ngư, CS biển của Việt Nam như tàu 766, 770, 703, 635, 764, 762, 926... đã bị tàu hải cảnh, hải giám, tàu kéo, tàu dịch vụ, vận tải liên tục vây ép, uy hiếp, thể hiện hành động hiếu chiến, ngang ngược tấn công tàu ta.

Chúng dùng vòi rồng công suất lớn bắn vào khoang kính, hệ thống ra đa, vinasat, buồng máy, ống khói gây nhiều thiệt hại về người và tài sản với mục đích làm cho tàu Việt Nam hạn chế khả năng hoạt động. "Có những lúc chúng dựa vào số đông và  tàu công suất lớn tập trung đánh phủ đầu, áp đảo, uy hiếp hòng làm nhụt ý chí của tàu ta, nhất là lực lượng mới ra thực địa. Nhưng lực lượng chấp pháp chúng ta vẫn ngoan cường bám trụ, không một phút nao núng tinh thần trước hành động hung hăng, ngang ngược của tàu Trung Quốc" - ông Tạo nói.

Công Hạnh (còn nữa)