Báo Công An Đà Nẵng

Gia cảnh khốn khó của cô gái bị bà chủ tra tấn như thời Trung cổ

Thứ tư, 25/07/2018 19:00

* T.Ư Hội LHPN VN ra lời kêu gọi, bảo vệ nạn nhân

* CATP Pleiku đưa nạn nhân đi giám định thương tích

Bà Y Chúc kể lại sự việc.

Con về mà mẹ không nhận ra

Chúng tôi về làng Peng Siêl, xã Đắc Pét, H. Đắc Glei, tỉnh Kon Tum trong cơn mưa ngút ngàn của núi rừng Tây nguyên. Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Y Nhiêu (23 tuổi), người vừa bị bà Nguyễn Thị Hà (tên thường gọi là Nga Vọc, 39 tuổi, quê Ia Kha, H. Ia Grai, trú P. Thống Nhất, TP Pleiku, Gia Lai) đánh đập, tra tấn dã man, gây chấn động dư luận cả nước.

Căn nhà chừng 30m2 được Nhà nước hỗ trợ xây dựng từ năm 2013, không có vật dụng gì đáng giá. Phía sau căn nhà là căn bếp lụp xụp, mọi vật bên trong đều đen sì, cáu bẩn. Chúng tôi vừa bước vào, bắt gặp ánh mắt nhìn ngơ ngác của người đàn ông lớn tuổi đang nằm trên giường vẻ mệt mỏi. Mặc cho chúng tôi lễ phép chào, nhưng người đàn ông không mấy để tâm. Dường như hiểu ý chúng tôi, bà Y Chúc (mẹ Y Nhiêu) khoát tay: "Nó bị bệnh tâm thần đó, nó không biết gì đâu!". Bà Chúc kéo ghế mời chúng tôi ngồi, thở dài: "Nó là cha của Nhiêu đó. Nó bị bệnh tâm thần từ lâu rồi, nằm ở nhà miết thôi, không làm được việc gì cả đâu, hằng ngày cả nhà phải thay nhau chăm sóc nó!".

Bà Chúc chỉ vào mấy bao lúa vừa thu hoạch để góc nhà, nói: "Nhà mình chỉ có mấy sào ruộng thôi, làm một vụ cũng chỉ chưa đầy 2 tạ lúa. Nhà không đủ cái ăn nên mấy đứa con phải dắt nhau đi làm thuê, làm mướn, ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền để mua gạo thôi. Nhà mình còn có hơn 2 sào mì (sắn), thu hoạch một năm một vụ được ít tiền lắm" - bà chúc chia sẻ.

Do hoàn cảnh cha bị bệnh, mẹ già hơn 70 tuổi không đủ sức để lao động, tất cả 4 người con phải bỏ học giữa chừng vì nghèo. Khi hỏi về Y Nhiêu, người anh trai là A Nhua lên tiếng: "Sau 4 năm đi làm thuê ở xa, ngày em gái tôi về đến nhà không ai nhận ra nó, cứ tưởng ai vô nhầm nhà mình thôi. Lúc sau nhận ra thì cả nhà ai cũng ôm nó và khóc, thương nó lắm nhưng không biết kêu ai!". Bà Y Chúc cho biết thêm: "Lúc thấy nó trở về nhà, mặt mày bị biến dạng, nhìn miết mà không biết nó là ai. Mình hỏi mày là ai thì nó bảo con đây má ơi, Y Nhiêu đây mà! Mãi tới lúc này mình mới nhận ra đứa đứng trước mặt chính là đứa con gái mà ngay bản thân không nhận ra".

Quệt nước mắt lăn trên gò má hằn sự khắc khổ, bà Chúc tiếp: "Khổ thân nó quá đi thôi, mãi 4 năm đi làm thuê chỉ được về nhà có 2 lần, cũng không có tiền gửi về cho mình, bây giờ nhìn thân xác tàn tạ, người đầy thương tích, không biết sau này nó sống thế nào, làm việc gì để có cái ăn đây!".

Nghe làng có khách, ông A Nghiêm - Trưởng Ban công tác Mặt trận làng Peng Siêl, xã Đắc Pét có mặt, góp chuyện. Theo ông A Nghiêm, gia đình Y Nhiêu có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nhất khi mẹ bị bệnh, cha bị tâm thần, nhà có mấy người con lập gia đình có nhà khác ở xa hết rồi. Y Nhiêu thấy gia đình khó khăn quá nên tự nó đi tìm việc làm để kiếm thu nhập đỡ đần phần nào, không ngờ lại rơi vào tay kẻ ác quỷ, bị đánh đập, hành hạ ra nông nỗi này. Ông Phạm Văn Phụ - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đắc Pét cũng cho biết, Y Nhiêu là người địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng, bố mẹ già yếu, gia đình khó khăn thuộc diện hộ nghèo. Hiện nay, xã đã quyên góp được hơn 10 triệu đồng từ cán bộ, nhân viên trong xã để hỗ trợ cho gia đình. Chính quyền cũng rất mong vụ việc sớm được điều tra làm rõ, đưa kẻ thủ ác ra xử lý theo pháp luật.

 Anh A Nhua bàng hoàng với những gì đã xảy ra với em gái.

Các cấp, ngành vào cuộc

Ngày 24-7, T.Ư Hội LHPN Việt Nam đã có công văn số 1871 đề nghị Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Gia Lai và Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Kon Tum về việc phối hợp giải quyết vụ việc chị Y Nhiêu bị thương và hỗ trợ nạn nhân. Đoàn Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam đề nghị: Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để nhanh chóng làm rõ nội dung sự việc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ; phối hợp với Hội LHPN tỉnh Kon Tum trong việc hỗ trợ chị Y Nhiêu. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cấp Hội, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ chị Y Nhiêu, theo dõi diễn biến vụ việc, làm việc với các cơ quan chức năng, áp dụng biện pháp cần thiết để can thiệp, hỗ trợ theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội. Thăm hỏi, hỗ trợ chị Y Nhiêu về vật chất, tinh thần, phối hợp với ngành Y tế chữa trị, chăm sóc sức khỏe kịp thời. Về lâu dài, đề nghị chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ sinh kế cho gia đình và bản thân chị Y Nhiêu.

Sáng cùng ngày, CATP Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã đưa chị Y Nhiêu từ Kon Tum tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để giám định thương tích. Cùng đi với Y Nhiêu có bà Chúc và anh trai A Nhao. Y Nhiêu cho biết hiện các vết thương vẫn còn rất nhau nhức, nhất là vết thương ở vùng bụng. Việc giám định thương tích đối với Y Nhiêu được tiến hành ở rất nhiều khoa, phòng và đều có CA bảo vệ nghiêm ngặt.

A.Nguyệt