Báo Công An Đà Nẵng

Giá dầu “leo thang”, ngư dân lao đao!

Thứ ba, 12/07/2022 13:28

Rất nhiều tàu thuyền nằm bờ tại âu thuyền An Hòa.

Về âu thuyền An Hòa và cảng cá Tam Quang, xã Tam Quang, H. Núi Thành (Quảng Nam) đầu tháng 7 tìm hiểu cuộc sống ngư dân khi giá dầu tăng cao, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tàu cá công suất lớn đang nằm bờ, khu vực thu mua hải sản chỉ có tàu công suất nhỏ cập bến, không nhộn nhịp như mọi khi.

Cặm cụi dùng bạt che mưa nắng con tàu QNa 91617TS, chủ tàu Huỳnh Ngọc Anh (55 tuổi, trú xã Tam Quang) buồn bã thổ lộ: “Tháng trước, tôi thuê 5 thuyền viên đi đánh bắt hải sản tại vùng biển Hoàng Sa. Gần 1 tháng vươn khơi đánh bắt được nhiều hải sản thu về hơn 150 triệu đồng, nhưng chi phí cho chuyến hơn 100 triệu đồng, trong đó tàu tiêu thụ hết hơn 3.000 lít dầu. 50 triệu đồng còn lại, tôi trả công cho thuyền viên. Vì thế, chuyến đi này tôi không thu được đồng nào. Do thu không đủ chi nên tôi quyết định cho tàu nằm bờ thời gian, chờ giá dầu xuống thấp lại mới vươn khơi. Hiện giờ giá dầu diesel cao gấp đôi so với giá năm 2021. Giá dầu như vậy thì ngư trường đánh bắt hải sản ra khơi toàn thua lỗ hoặc hòa vốn chứ không có lời”.

Thu xếp thúng lên tàu cá QNa 90457 chuẩn bị đánh bắt gần bờ, thuyền viên Trần Văn Lợi (56 tuổi, trú xã Tam Quang) cho hay, vì vươn khơi vào thời điểm này không thuận lợi, dễ bị thua lỗ, nên sau khi tính toán số thuyền viên, chi phí chuyến phù hợp, chủ tàu QNa 90457 chuyển sang đánh bắt gần bờ để hạn chế rủi ro. “Chúng tôi quyết bám biển một phần là vì mưu sinh, nhưng hơn hết là bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho ngư dân, điều chỉnh giảm giá dầu để ngư dân có điều kiện vươn khơi bám biển, ổn định cuộc sống”- thuyền viên Lợi bày tỏ nguyện vọng.

Quang cảnh vùng biển gần cảng cá Sa Kỳ (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) cũng đìu hiu không kém. Khi đến đây, chúng tôi thấy hàng chục tàu cá công suất lớn đang “đắp chiếu”. Ngư dân Nguyễn Văn Vinh (28 tuổi, trú xã Tịnh Hòa)- chủ tàu cá QNg 91346 TS, cho biết: “Những năm trước giá dầu thấp tôi bỏ ra chi phí mỗi chuyến đi biển khoảng 100 triệu đồng. Nhưng nay giá dầu tăng quá cao, để có thể ra khơi, mỗi chuyến tôi bỏ ra số tiền hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng hải sản đánh bắt được lại giảm nhiều so với vài năm trước, khiến mỗi chuyến ra khơi của tàu tôi toàn thua lỗ nặng. Do 2 chuyến biển đều thua lỗ nên tôi quyết định cho tàu nằm bờ. Chờ khi nào giá dầu giảm hoặc nhà nước có chính sách hỗ trợ mới có thể tiếp tục vươn khơi”.

Theo bà Trương Thị Châu- chủ một cửa hàng xăng dầu ở cảng Sa Kỳ, so với năm ngoái, thời điểm này giá dầu tăng hơn gấp đôi. Vì lẽ đó, ngư dân đánh bắt xa bờ sợ bị lỗ nên không dám ra khơi đánh bắt. “Nhiều tháng qua, cửa hàng tôi chỉ bán dầu cho tàu có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Lượng dầu cửa hàng bán được giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Tôi mong sao giá dầu sớm bình ổn để ngư dân vươn khơi đánh bắt, cải thiện cuộc sống. Nếu tình trạng này kéo dài cuộc sống của ngư dân sẽ rất khó khăn”- bà Châu chia sẻ.

Dầu tăng giá không thể vươn khơi, ngư dân Huỳnh Ngọc Anh dùng bạt che mưa nắng cho con tàu.

Theo thống kê của Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Nam, đến ngày 8-7, toàn tỉnh có 114 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ đang nằm bờ với hơn 1.625 lao động thất nghiệp. Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện đơn vị này đang đánh giá hoạt động đánh bắt của ngư dân để báo cáo lên UBND tỉnh kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ giá dầu cho ngư dân.

Còn tại Quảng Ngãi, thống kê do Chi cục Thủy sản tỉnh này cung cấp, toàn tỉnh có hơn 3.200 tàu có công suất lớn. Hiện có rất nhiều tàu thuyền của ngư dân tạm thời nằm bờ do không dám vươn khơi vì sợ thua lỗ do giá dầu liên tục “leo thang”. Ông Nguyễn Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay, trước tình hình ngư dân không dám vươn khơi đánh bắt hải sản, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh đang tiến hành đánh giá sự ảnh hưởng của giá xăng dầu đối với ngư dân để tham mưu tỉnh đề xuất Chính phủ có hướng điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Được biết, để hỗ trợ một phần khó khăn cho ngư dân, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị hỗ trợ 1 tháng lương cơ bản cho mỗi thuyền viên không thể vươn khơi đánh bắt. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Căn cơ nhất vẫn là tìm cách tháo gỡ giá nguyên liệu hoặc có chính sách trợ giá phù hợp để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển; góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lê Vương