Giá điện mới phải góp phần đảm bảo an sinh xã hội
(Cadn.com.vn) - Chiều 23-9, tại TP Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Đề án cải tiến cơ cấu giá bán lẻ điện đối với các địa phương thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo. |
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, đại diện cho đơn vị thực hiện Dự án là Cty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam (CMD) đã trình bày khá kỹ các nội dung liên quan đến sự cần thiết, mục tiêu, căn cứ, các nguyên tắc và nội dung phải cải tiến cơ cấu biểu giá điện. Ông Thỏa cho rằng, đây là quá trình thực hiện lộ trình phát triển thị trường Điện lực Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn cạnh tranh, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nên cần phải cải tiến để biểu giá đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ kiểm tra và minh bạch hơn nhưng không tăng giá điện bình quân.
Trong 3 phương án đưa ra, ông Thỏa đưa ra khuyến nghị nên chấp nhận tiêu chí chọn phương án 3 (PA3). Theo ông Thỏa lý giải, PA3 rút gọn từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc sẽ khắc phục được phần lớn những khuyết điểm của PA1 (6 bậc như trước đây), PA2 (quy định một mức giá) và vẫn thực hiện được chính sách giá điện theo quy định của Luật Điện lực; đồng thời PA3 cũng giữ nguyên các mức giá điện bình quân hiện hành.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Trưởng Phòng Quản lý điện, Sở Công Thương Đà Nẵng sau khi cân nhắc cũng nghiêng về hướng chọn PA3 với cách tính tiền điện bán lẻ theo 4 bậc thang vì cho rằng kịch bản này đáp ứng được các tiêu chí về an sinh xã hội, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo thu nhập thấp. Theo đó, bậc 1 tính từ 50kWh đầu tiên, bậc 2: 150 kWh tiếp theo, bậc 3: 200kWh tiếp theo và bậc 4: trên 400 kWh.
Đồng quan điểm với Sở Công Thương Đà Nẵng, ông Ngô Thế Tùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đăk Nông nêu quan điểm, thống nhất các tiêu chí của bên Tư vấn CMD và cho rằng, làm như thế sẽ có tác động tốt về mặt xã hội vì xuất phát từ mục tiêu nào đi nữa thì trước hết và ưu tiên hơn cả việc điều chỉnh giá điện bán lẻ phải tính đến đối tượng nào bị tác động nhiều nhất. Ông Tùng nói rõ “Nên cơ cấu duy trì cách tính lũy tiến bậc thang về 3 hoặc 4 bậc của PA3 là phù hợp. Ngược lại, ông Đoàn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lại có một cách nhìn nhận khác khi chọn PA2: Quy định một mức (đồng giá) vì có ưu điểm minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng, dễ quản lý, kiểm tra, giám sát; tạo điều kiện cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ; tạo điều kiện từng bước thực hiện cơ chế thị trường, xóa bỏ việc thực hiện chính sách xã hội qua giá và thay bằng chính sách khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, so với quy định hiện hành, nếu chuyển sang PA này sẽ gây ra tác động các hộ dùng điện ít và trung bình khoảng dưới 240 kWh/tháng sẽ tăng tiền điện trả hàng tháng, còn các hộ dùng nhiều khoảng từ 300 kWh/tháng trở lên thì tiền điện trả hàng tháng sẽ giảm.
Các đại biểu cho rằng, bất cứ phương án tính tiền điện nào được áp dụng thì vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội, tránh tác động đến người nghèo. Trong ảnh: Nhân viên EVN kiểm tra thiết bị điện. |
Ông Nguyễn Hồng Hải, đại diện cho Hội Nông dân TP Đà Nẵng đề nghị nên ưu tiên chọn PA3 với cách tính 4 bậc thang vì nó đảm bảo các tiêu chí về an sinh xã hội nhưng cũng nên tính đến việc giảm thêm mức giá sử dụng điện cho các hộ nghèo, khó khăn, thu nhập thấp, đồng thời tính toán tăng mức giá đối với các hộ sử dụng nhiều nhưng vẫn đảm bảo được giá bán điện bình quân. Ý kiến của các ông Lê Trần Tự, Sở Công Thương Đăk Lăk; Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Nam; Trần Phước Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi đều cho rằng, ở các địa phương này, hộ có thu nhập thấp, nghèo và cận nghèo còn nhiều nên chọn PA3 là phù hợp nhất vào thời điểm hiện tại nhưng cần thiết phải chọn kịch bản nào trong PA này để giảm chi phí đến mức thấp nhất có thể là việc cần phải tính đến.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN chia sẻ “Áp dụng giá điện bậc thang trên tinh thần ưu tiên đối với hộ dùng ít, thu nhập thấp một cách hợp lý để góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, đảm bảo được an sinh xã hội. Việc các đại biểu đề nghị chọn PA3, phía Tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp về khoảng cách, chênh lệch giá của các bên để góp phần ổn định xã hội, đảm bảo được tiêu chí tiết kiệm điện”.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, EVN tổ chức hội thảo trên cơ sở thực trạng, xem xét biểu giá điện mới và sẽ thực hiện đầy đủ các bước lấy ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia ở cả 3 miền. “Trong quá trình xem xét điều chỉnh cơ cấu giá điện cần có bước đi, lộ trình phù hợp với tình hình KT-XH trong từng thời kỳ, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc thiết kế cơ cấu biểu giá bán điện”-ông Tuấn nhấn mạnh.
Phương Kiếm