Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại
Việc giá gạo xuất khẩu tăng trở lại đã được các doanh nghiệp, chuyên gia dự báo trước đó do nhu cầu thế giới cao, trong khi các nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, ngày 11-9, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết đã mở thầu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm cũng được cho là một trong những nguyên nhân đẩy giá gạo tăng trở lại.
Bà Phan Mai Hương, chuyên gia thị trường lúa gạo, đồng sáng lập Công ty Ssresource Media cho biết đầu năm nay Indonesia có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ứng phó với hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, gần đây họ điều chỉnh mục tiêu, tăng lượng gạo nhập khẩu lên khoảng 2,4 triệu tấn. Cập nhật đến hết tháng 7-2023, Indonesia đã nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn gạo. Thông qua đường ngoại giao Indonesia đã đạt được hợp đồng mua 125.000 tấn gạo từ Campuchia, trong đó có 25.000 tấn gạo thơm và phần còn lại là gạo trắng. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang thúc đẩy hợp đồng với Myanmar, sản lượng khoảng 70.000-80.000 tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 8 tháng đầu năm nay thị trường gạo thế giới có nhiều thuận lợi, giúp sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này gia tăng, nhất là sau khi Ấn Độ có các động thái cấm xuất khẩu gạo kể từ ngày 20-7. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 20% so cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 8 tháng cũng tăng lên gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Ghana... là những quốc gia nhập gạo Việt Nam nhiều nhất. Với diễn biến hiện nay, nhiều doanh nghiệp dự báo rằng tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng tới, nhờ số lượng đơn hàng tốt từ nhiều thị trường mới.
THU THỦY