Già làng truyền nghề đánh cồng chiêng và múa xoang
Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng già A Blếch (làng Kon Ktủh, xã Đăk Ruồng, H. Kon Rẫy, Kon Tum) vẫn miệt mài truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng và những điệu múa xoang cho thế hệ trẻ.
Khi những tia nắng cuối chiều dần khuất sau mái nhà rông cao vút của làng Kon Ktủh cũng là lúc các em nhỏ trong làng tập trung tại nhà già A Blếch để học đánh cồng chiêng, múa xoang. Từ xa, tiếng cồng chiêng đã vọng nhịp nhàng quyện vào không gian tĩnh mịch của làng Kon Ktủh. Càng đến gần, tiếng cồng chiêng càng ngân vang. Trong ngôi nhà sàn, dưới ánh lửa, 7- 8 em nhỏ từ 8 - 12 tuổi chăm chỉ dõi theo những nhịp gõ, nắn chiêng của già Blếch.
Theo già Blếch, trước đây, làng Kon Ktủh có nhiều bộ chiêng và người biết đánh cồng chiêng đi dự thi khắp nơi. Nhưng cái đói, cái ăn làm những bộ chiêng dần vắng bóng, vì thế người biết đánh cồng chiêng cũng ít dần. Sau khi dân làng góp tiền mua được bộ chiêng quý để duy trì nét văn hóa đặc sắc, già đứng ra nhận truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Già A Blếch đi khắp làng để phân tích cho người trong buôn hiểu về văn hóa cồng chiêng, đồng thời kêu gọi người trong buôn học đánh chiêng. Nghe già phân tích, nhiều người hiểu nên cũng tham gia học. Già A Blếch gom từng nhóm trai làng đưa về nhà rông dạy. Đến giờ, già A Blếch cũng không nhớ đã truyền dạy cho bao nhiêu người. Những người được dạy phần lớn là người đã có tuổi và thanh niên. Đầu năm 2016, già A Blếch bắt tay vào dạy đánh cồng chiêng cho các em thanh, thiếu niên trong làng. “Riêng các cháu thì mỗi tuần dạy 2 buổi vào lúc chiều tối. Dạy các cháu đánh cồng chiêng khó hơn. Nhiều lúc chúng lười học, tôi đến tận nhà động viên. Tuy vất vả nhưng cứ thấy thành quả là các cháu đánh thành thục tôi có thêm động lực để truyền dạy”, già A Blếch chia sẻ. Với những đóng góp của các nghệ nhân như già A Blếch, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhận loại sẽ trường tồn mãi với thời gian.
Quang Thái