Báo Công An Đà Nẵng

Gia tăng tội phạm trong giới trẻ ở Đắc Nông

Thứ năm, 31/07/2014 08:40

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, tình hình người chưa thành niên làm trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắc Nông có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhiều vụ trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, giao cấu trẻ em đã xảy ra. Qua đó cho thấy, đối tượng phạm pháp có chiều hướng ngày càng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng.

Nguyên nhân?

Theo thống kê của Phòng CSĐTTPVTTXH- CA tỉnh Đắc Nông, trong 6 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 43 vụ với 70 em ở độ tuổi vị thành niên gây ra, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó địa bàn H. Đắc Mil xảy ra 18 vụ, H. Đắc Song 9 vụ, H. Krông Nô 8 vụ... Tội phạm do người chưa thành niên gây ra chủ yếu là trộm tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, giao cấu trẻ em, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản... Lực lượng CA các cấp đã điều tra, xử lý hình sự 13 vụ với 15 em, xử lý hành chính 30 vụ với 55 em, giao cho gia đình quản lý giáo dục 41 em, giáo dục tại xã, phường, thị trấn 4 em và đưa đi trường giáo dưỡng 7 em. 

Lực lượng CA đẩy mạnh công tác phát động người dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng Phòng CSĐTTPVTTXH, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên làm trái pháp luật, trong đó đáng kể nhất là những mặt trái của nền kinh tế thị trường làm ảnh hưởng đến văn hóa, giáo dục, sự tha hóa biến chất, lối sống thực dụng trong một bộ phận tầng lớp trẻ hiện nay... Từ đó, các em dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, bị cuốn sa ngã vào con đường phạm pháp. Một trong những nguyên nhân nữa là do các em sớm tiêm nhiễm lối sống đồi trụy, kích động bạo lực đã tác động, gây hậu quả xấu đối với các em.

Bên cạnh đó, sự non kém về nhận thức các vấn đề xã hội, pháp luật cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Những ảnh hưởng tiêu cực từ phía gia đình như: sự thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, không tôn trọng lẫn nhau, một số thành viên trong gia đình sống buông thả, rượu chè, cờ bạc, thậm chí phạm tội đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của thanh, thiếu niên; Một số gia đình thiếu quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc, giáo dục con cái hoặc thiếu thốn về kinh tế nên dễ bị ảnh hưởng của những hiện tượng tiêu cực và phạm pháp. Ngoài ra còn một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng đó là sự buông lỏng quản lý, chưa phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc quản lý giáo dục các em hoặc phương pháp giáo dục chưa sâu sát...

CAH Đắc G’long (Đắc Nông) bắt, xử lý 3 đối tượng trong lứa tuổi thanh thiếu niên
trộm cắp tài sản.

Giải pháp

Để hạn chế và đẩy lùi tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên thời gian tới, các lực lượng CA thường xuyên nắm tình hình, quản lý đối tượng vị thành niên hư, đặc biệt chú ý số đối tượng thiếu niên đã từng có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó chủ động các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả; đẩy mạnh việc lập hồ sơ đối tượng vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự để tham mưu trình xét duyệt đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng hay đưa ra kiểm điểm, giáo dục tại cộng đồng, khu dân cư.

Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an nhằm kịp thời điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng do thanh thiếu niên gây ra để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Tập trung lực lượng tấn công, truy quét các ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức... nhằm từng bước làm trong sạch địa bàn và hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật do thiếu niên gây ra, đồng thời phát động phong trào Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

“Tội phạm trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng và khá nghiêm trọng. Do đó, việc giáo dục thanh thiếu niên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và gia đình, xã hội. Nếu chỉ coi đó là trách nhiệm của riêng lực lượng CA thì chưa đủ. Chính sự giáo dục của gia đình, xã hội mới hình thành  ý thức cá nhân trong mỗi con người, mỗi chủ thể. Đây là điều kiện tiên quyết để loại trừ những thói hư tật xấu trong mỗi con người, hình thành nên những gia đình văn hóa, xã hội văn minh”. Đại tá Nguyễn Hữu Lộc cho biết thêm.

Bài, ảnh: Hồng Long