Giá trị kép của châu bản triều Nguyễn
(Cadn.com.vn) - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) vừa đón nhận "Bằng Di sản tư liệu châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO". Châu bản triều Nguyễn được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương bởi những giá trị nổi bật về nội dung phong phú, hình thức độc đáo, tính duy nhất, không thể thay thế và có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và thế giới... Đó là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ năm 1802 đến 1945. Đặc biệt với giá trị về nội dung và giá trị pháp lý, Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu gốc đặc biệt quan trọng trong việc xác lập chủ quyền, cương giới và lãnh thổ Việt Nam.
Số lượng đồ sộ, nội dung đa dạng
Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản gồm các bản tấu sớ của các quan dâng lên, được nhà vua xem, châu phê để giải quyết các công việc hành chính của quốc gia. Châu bản còn gồm cả chiếu chỉ, các bản thượng dụ và công văn cùng loại của chính nhà vua ban hành. Cơ quan phụ trách điều hành và quản lý các châu bản bấy giờ là Nội các, vốn tiền thân của nó là 3 viện: Thị thư viện, Thị hàn viện và Nội hàn viện được lập ra ngay từ năm đầu của triều Gia Long. Năm đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820), Thị thư viện đổi tên thành Văn thư phòng và đến năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) Văn thư phòng đổi tên thành Nội các có nhiệm vụ duyệt xem các bản tấu sớ của các tỉnh, dinh, trấn về nội dung và hình thức có hợp lệ không rồi mới dâng lên nhà vua. Nhà vua đọc duyệt rồi tự tay ghi ý kiến của mình lên các bản tấu bằng bút son.
Tờ tâu của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng (năm 1830) có châu phê của vua Minh Mệnh. |
Số lượng châu bản triều Nguyễn rất đồ sộ. Tuy nhiên, do những biến cố lịch sử từ năm 1945 đến năm 1975 nên đã bị thất lạc, hư hỏng phần lớn. Theo thống kê của Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại học Huế vào năm 1959 thì số liệu châu bản lúc đó tổng cộng 614 tập, thuộc 10 triều đại từ vua Gia Long đến vua Bảo Đại (trừ 3 triều: Dục Đức, Hiệp Hòa, Hàm Nghi). Khoảng cuối năm 1963 đầu năm 1964 châu bản được chuyển lên Đà Lạt. Năm 1978 chuyển về Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại TPHCM. Đến tháng 6-1991 toàn bộ tư liệu này chuyển về Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tại Hà Nội, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, tổng số châu bản hiện còn được xếp thành 773 tập, với 85.000 đơn vị. Nội dung châu bản rất đa dạng, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, có độ tin cậy cao, phản ánh đầy đủ các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y tế... dưới thời triều Nguyễn. Vì là văn bản do nhà vua trực tiếp châu phê nên nó là những văn bản hành chính tối cao của nhà nước, được thi hành như pháp lệnh quốc gia...
Tại lễ trao Bằng Di sản tư liệu châu bản triều Nguyễn sáng 30-7-2014, bà Katherine Muller-Marine, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: "Châu bản triều Nguyễn có ý nghĩa quan trọng với bất kỳ ai, vì nó đưa chúng ta ngược dòng lịch sử hơn 100 năm trước, qua đó tiếp cận với nền văn hóa, chính trị, những cam kết lâu dài về văn hóa, khoa học, và những cam kết ngày nay vẫn rất mạnh mẽ".
Tờ tâu của Tổng lý đại thần Phạm Quỳnh (năm 1939) có châu phê của vua Bảo Đại. |
Bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa
Việc châu bản triều Nguyễn được công nhận là di sản tư liệu thế giới có một ý nghĩa kép về giá trị lịch sử, văn hóa và giá trị pháp lý đối với vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì trong số 85.000 đơn vị châu bản còn lại có 19 tờ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa mà nội dung của nó cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình thông qua các hoạt động quản lý nhà nước với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua.
Chẳng hạn, châu bản đề ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) cho biết sau khi tiếp nhận công văn của Nội các (trong đó) có châu phê của nhà vua: "Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 cọc gỗ (mỗi cọc dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc) khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính thân, các viên cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh", Bộ Công đã chuẩn bị đủ số cọc gỗ và gửi cho tỉnh Quảng Ngãi chuyển cho Chánh đội trưởng Thủy quân Phạm Hữu Nhật đem ra cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa.
Bản tâu đề ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) của quan Bố chính, Án sát Quảng Ngãi ghi rõ tên tuổi, quê quán của 11 người đi làm nhiệm vụ "có tầm quan trọng đặc biệt" ở Hoàng Sa. Tờ tấu của Hà Tông Quyền và Hoàng Quýnh ở Nội Các đề ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) nói về việc trách phạt đối với những người vẽ đồ bản không rõ ràng hoặc khi từ Hoàng Sa trở về lại dềnh dàng quá hạn. Đồng thời lại có hình thức ban thưởng cho những người hoàn thành tốt trách nhiệm được giao.
Châu bản cũng cho thấy Triều đình Huế ngay từ đầu đã xác định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam nên có chính sách cứu hộ, cứu nạn đối với các thương thuyền nước ngoài đi qua vùng này gặp nạn. Bản tâu ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng cho biết ngày 21 tháng này có một chiếc thuyền của Pháp từ cảng Đà Nẵng đi Lữ Tống (tức Philippine) khi đến phía tây quần đảo Hoàng Sa thì bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền. Khi được tin báo, Thủ ngự Đà Nẵng là Nguyễn Văn Ngữ liền sức cho thuyền tuần tiễu mang nước ngọt đi tìm và đã đưa được những người bị lạc trên biển về cửa biển Đà Nẵng. Vua Minh Mệnh châu phê một chữ "Lãm" (đã xem) vào bản tấu này.
Hai châu bản triều Bảo Đại hiện còn lại cho biết, mặc dù đã bị Pháp đô hộ nhưng triều đình Huế vẫn giữ trách nhiệm đối với quần đảo Hoàng Sa, thể hiện ở việc vua Bảo Đại chấp thuận truy tặng Huy chương Long tinh của triều Nguyễn cho Louis Fontan, Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại quần đảo này, vừa qua đời tại Huế ngày 2-2-1939 và chuẩn y ban thưởng Huy chương "ngũ hạng Long tinh" cho ngạch lính Khố xanh ở Trung kỳ do họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn ở cao nguyên và lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa.
Như vậy, việc châu bản Triều Nguyễn chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, cũng có nghĩa là UNESCO đã chính thức công nhận những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều mà không có một quốc gia nào khác ngoài Việt Nam có được đối với hai quần đảo này.
PGS, TS Ngô Văn Minh