Báo Công An Đà Nẵng

Giã từ "giọt nước cành dương"

Thứ năm, 14/08/2014 07:06

(Cadn.com.vn) - Họa sĩ Dương Cẩm Chương vừa qua đời ngày 9-8 ở tuổi 104 tại TPHCM. Họa sĩ Dương Cẩm Chương sinh năm 1910 tại Hải Dương. Thân sinh ông là nhà chí sĩ Dương Bá Trạc-người khởi xướng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (cùng với cụ Lương Văn Can). Ông còn có hai người chú ruột nổi tiếng là giáo sư Dương Quảng Hàm và giáo sư Dương Tự Quán. Từ thuở thiếu thời, ông dự tính học ngành kiến trúc, nhưng thời đó chưa có đại học kiến trúc, ông phải vào trường thuốc học y khoa.

Vốn có năng khiếu hội họa từ nhỏ nên ông học dự thính thêm ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và làm ký giả cho tờ Trung Bắc Tân Văn để kiếm tiền đi học. Ông đã từng phỏng vấn danh hài Charlot, danh họa Fujita của Nhật Bản khi họ ghé thăm Việt Nam. Năm 1938, ông tốt nghiệp y khoa, trở thành bác sĩ phẫu thuật, làm việc ở tại bệnh viện Lalung Monnaire Saigon (nay là Bệnh viện Chợ Rẫy). Ông thực sự đến với hội họa ở tuổi 50. Song,  khi nhắc đến Dương Cẩm Chương, nhiều người lại thường nhớ đến ông là một họa sĩ tài hoa, dí dỏm, hài hước, uyên bác trên nhiều lĩnh vực...  

Chân dung họa sĩ Dương Cẩm Chương.

Dương Cẩm Chương thường nói trong mấy chục năm hành nghề y, ông không lúc nào quên hội họa. Nó cũng là "họa nghiệp" cùng với "y nghiệp" gắn liền suốt cuộc đời ông. Khác ở chỗ, một cái trời cho, một cái ông chọn. Dù vậy, ông vẫn cho rằng "hội họa với tôi là nghiệp dư"... Phong thái sáng tác của ông rất gần với những họa sĩ vẽ tranh thủy mặc: một vệt màu, một nét cọ là một hứng cảm nghệ thuật dứt khoát, hiếm khi phải bôi xóa.

Tranh của ông thường cháy lên tình yêu con người, thiên nhiên tha thiết. Khi ông vẽ, cảnh nhập vào người, người nhập vào cảnh, người và cảnh là một. Có trường hợp ở một bức tranh, ông đang vẽ dở dang thì trời mưa ập xuống, ông để luôn không vẽ nữa và  xem như hoàn thành tác phẩm. Tranh ông thể hiện một tâm hồn họa sĩ tài hoa sau nghề nghiệp của một bác sĩ. Năm 1999, ông được Nhà nước ta trao tặng huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật.

Ông từng định cư ở Pháp sau khi nghỉ hưu năm 1968 nhưng đến năm 1990 gia đình ông lại trở về nước.  Ông bảo đã đi, sống và vẽ khắp mọi miền trên thế giới, nhưng nơi đẹp nhất vẫn là đất nước, quê hương mình. Khi về lại TPHCM, việc đầu tiên của ông là xách giá vẽ qua bên kia cầu Chữ Y, quận 8 để vẽ con đường mang tên thân phụ mình: Dương Bá Trạc. Ông cũng trăn trở bức tranh này ông vẽ trong nhiều năm liền, song cứ bị rơi vào tâm trạng "như chìm đắm, như chưa tan một giấc mơ"...Tâm trạng này đã được chính người bạn đời-nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế, chia sẻ: "Nâng theo cánh hạc thiên trường/ Mà tình nước đã ngàn phương đất trời...".

Tranh của họa sĩ Dương Cẩm Chương.

Những năm gần đây, ông thường chọn  thành phố Đà Lạt để mỗi năm vài ba tháng về đây sống và vẽ. Ông bảo: "Đà Lạt là một thành phố tình cảm, có một tâm lý riêng, một sắc thái riêng, có lẽ chỉ vì gần gũi như mặt thấy mặt, tay cầm tay. Cái thành phố Đà Lạt này như biết săn sóc giữ gìn tình cảm cho con người biết tìm nó...".

Họa sĩ Dương Cẩm Chương cũng sáng tác thơ. Sinh nhật lần thứ 102 (12-2012), ông ra mắt tập thơ Thi Tâm do NXB Thời Đại ấn hành. Hằng ngày, ông vẫn thường tìm những thông tin đã lưu trữ trong tài liệu lưu trong quyển nhật ký, đánh số với bìa màu khác nhau đặt đầu tủ. Độc đáo nhất, trong đó có  tuyển tập "Giọt nước cành dương"  nơi lưu thông tin, thơ, hình ảnh của những người phụ nữ trong đời mà ông yêu mến, biết ơn, trân trọng...

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất mến mộ họa sĩ. Có lần nhạc sĩ đã viết về ông: "...Bằng tất cả sự sảng khoái đầy rạo rực của một con người không có tuổi tác...ông chính là kẻ lữ hành không mệt mỏi của đường dài...".

Trần Trung Sáng