Giã từ quá khứ
(Cadn.com.vn) - Hơn 13 năm về trước, vì nghe theo lời độc của bọn FULRO, người dân ở một số làng đồng bào DTTS ở H. Chư Pưh (Gia Lai) đã tham gia gây rối, bạo loạn, chống phá chính quyền. Trở về sau thời gian được giáo dục, những người lầm lỗi đã hòa nhập cộng đồng, tích cực lao động sản xuất để xây dựng một cuộc sống ấm no. Đồng thời, họ chung sức cùng lực lượng công an, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân không tin, không nghe theo lời bọn phản động.
Những ngày cuối tháng 6-2014, chúng tôi đến làng Plei Thong A, thị trấn Nhơn Hòa, Chư Pưh để gặp ông Siu Bah, một trong những đối tượng cốt cán tham gia gây rối, gây bạo loạn ở làng Lao, thị trấn Nhơn Hòa 13 năm trước. Hỏi thăm, dân làng hầu như đã quên chuyện cũ và họ chỉ biết đến nghệ nhân điêu khắc tượng nhà mồ Siu Bah của làng Plei Thong A. Hiện không chỉ nổi tiếng ở trong làng, các tác phẩm tượng gỗ của Siu Bah mang đậm bản sắc Tây Nguyên đã trở nên nổi tiếng trong các cuộc thi của H. Chư Pưh và tỉnh Gia Lai tổ chức. Giữa khung cảnh yên bình khi những tia nắng lọt qua khe lá chiếu xuống đôi vai người đàn ông 50 tuổi đang chăm chú đục tượng gỗ, thi thoảng cười với đứa con nhỏ đang được mẹ bế trên tay, khó có ai nghĩ rằng Siu Bah đã trải qua những ngày đen tối vì mê muội theo lời dụ dỗ của FULRO.
Trở về làng sau hơn 4 năm giáo dục cải tạo, Siu Bah đã hiểu rõ âm mưu thâm độc của FULRO và quyết tâm làm lại cuộc đời. Siu Bah chia sẻ: “Hồi mới đi giáo dục về, bao nhiêu là cái khó: cơm không đủ ăn, gia đình tan nát, vợ mình bỏ mình mà đi, mình xấu hổ với dân làng lắm. Nhưng có cán bộ Công an thường xuyên đến động viên nên dân làng không xa lánh còn giúp mình làm ăn. Bây giờ mình đã có một gia đình mới với 4 người con, còn được tin tưởng bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải trong làng. Nằm mơ mình cũng không nghĩ mình được như ngày hôm nay”.
Siu Bah đang đục tượng gỗ nhà mồ. |
Được sự bao bọc của dân cùng với đức tính cần cù, chịu khó, giờ đây, gia đình Siu Bah có 2 ha rẫy trồng hoa màu và gần 200 trụ tiêu trong vườn nhà. Ngôi nhà của vợ chồng Siu Bah cũng tự tay ông xây dựng nên từ những kiến thức học được trong thời gian học tập ở trại giam. Tiếp xúc với người đàn ông trung niên này, điều mà chúng tôi nhận thấy trong ông là khát khao vươn lên làm lại cuộc đời. “Đời người ai cũng có cái sai mà. Mình nhận ra sai lầm và học được rất nhiều khi chấp hành án: xây tường, đan tre, thợ mộc... Trở về, mình nhớ lại ngày xưa cha mình giỏi lắm, thường làm tượng gỗ nhà mồ cho làng. Mình mày mò tự học. Nhiều lần thất bại nhưng mình không nản. Bây giờ thì các tác phẩm của mình đã được mọi người công nhận. Cứ khi nào có dịp, mình ra sức khuyên người trong làng, bạn bè đừng nghe kẻ xấu nữa. Nó ở nước ngoài lừa bịp, chỉ hỏng việc, hỏng gia đình mình thôi. Mình đã trải qua rồi, mình biết”, ông bộc bạch.
Đến thăm gia đình ông Kpă Grih (50 tuổi, ở làng Lao, thị trấn Nhơn Hòa, Chư Pưh), vườn nhà Grih ươm đủ giống cây, từ cây làm trụ tiêu đến cây ăn quả. Nhờ kiên trì học hỏi, áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, hiện tại gia đình ông đã sắm xe công nông phục vụ sản xuất và đang xây dựng một ngôi nhà gỗ khang trang, kinh tế ổn định với 220 trụ tiêu, 3 sào rẫy trồng mì, bắp và 1 sào ruộng lúa nước. Kpă Grih kể lại: “Lúc mới đi tù về tôi thấy tội nghiệp cho bà con, cho gia đình vì những việc làm của tôi không ích lợi gì, làm biết bao gia đình tan vỡ. Từ đó đến nay, tôi cũng cố gắng hết sức để làm lại cuộc đời”.
Nói về những trường hợp từng lầm lỗi như Siu Bah, Kpă Grih, Thiếu tá Siu Wit, Đội trưởng Đội an ninh CAH Chư Pưh cho biết: hầu hết họ đã ổn định cuộc sống và cũng là lực lượng đắc lực giúp lực lượng Công an vận động, tuyên truyền bà con không nghe, không tin lời kẻ xấu. Nhất là vận động những người lầm đường lạc lối bỏ “Tin lành Đêga” để quay về sinh hoạt tin lành miền Nam Việt Nam. Họ thực sự đã rũ bỏ “mầm độc” của FULRO để làm những việc có ích cho bản thân, cho buôn làng.
Minh Tân – Thoại Nhân