Báo Công An Đà Nẵng

Giá USD bất ngờ tăng mạnh: Ngân hàng Nhà nước sẽ bình ổn?

Thứ tư, 19/11/2014 08:26

(Cadn.com.vn) - Tỷ giá có dấu hiệu “nóng” khi tín dụng ngoại tệ bắt đầu nhích lên vào thời điểm cuối năm. Nhu cầu vốn ngoại tệ từ các doanh nghiệp khiến cho một số nhà băng “đua nhau” giảm lãi suất, miễn nhiều loại phí để giành giật khách hàng, thậm chí, một số ngân hàng đã giảm lãi vay USD ngắn hạn xuống còn 2 - 3%/năm. Diễn biến này có thể kích  hoạt tỷ giá USD trên thị trường tiền tệ vào cuối năm nay?

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) ngày 18-11 đều biến động mạnh. Hầu hết các NHTM đều tăng từ 25 đến 60 đồng/USD cả giá mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm trước, có ngân hàng nâng tỷ giá tới 60 đồng/USD. Giá mua vào và bán ra tính đến đầu giờ chiều    18-11 của các ngân hàng phổ biến ở mức 21.350-21.360 đồng/USD và 21.410-21.420 đồng/USD. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn duy trì ở 21.246 VND/USD, tỷ giá tại các Sở giao dịch của NHNN là 21.200 - 21.2400 VND/USD.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng mạnh ở cả 2 chiều mua vào, bán ra so với trước đó. Tính đến chiều 18-11 tỷ giá ghi nhận là 21.430-21.445 đồng/USD. Giá mua vào tăng +30 đồng/1 USD và giá bán ra tăng +25 đồng/1 USD. Chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào là 15 đồng/1 USD, giảm 5 đồng/USD so với hôm trước. Ở mức này, giá USD tự do chỉ còn cao hơn so với giá USD ngân hàng ở chiều bán ra khoảng +25 đồng/1 USD.

Giá USD bắt đầu có xu hướng tăng khoảng 2 tuần trở lại đây, từ mốc 21.315 đồng/USD (bán ra) liên tục đi lên nhưng vẫn bị khống chế dưới trần cho phép là 21.450 đồng/USD. Đây là đợt biến động lần 2 của tỷ giá. Trong đợt biến động vào đầu tháng 10/2014, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã phải lên tiếng khẳng định, NHNN không có kế hoạch điều chỉnh tỷ giá, lúc đó thị trường USD mới “dịu” lại.

Nguyên nhân nào khiến tỷ giá đồng USD tăng mạnh trong 2 tuần qua? Theo các nhà phân tích kinh tế, tình trạng nhập siêu đang tái diễn khiến nhu cầu USD tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt (giám đốc thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam), giá USD tăng so với tiền đồng trong mấy ngày qua là do Việt Nam liên tục nhập siêu trong tháng 9, 10 và thượng tuần tháng 11 với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD.

Tỷ giá đồng USD tăng mạnh 2 tuần qua.

Cùng lúc đó dòng vốn đầu tư gián tiếp có dấu hiệu đảo chiều do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngừng gói hỗ trợ nới lỏng định lượng thứ 3 (QE-3). Cũng theo ngân hàng này, thanh khoản tiền đồng tốt cùng với lãi suất thấp đã tạo điều kiện cho các NHTM tăng cường mua ngoại tệ. Đặc biệt, khi tỷ giá thị trường chạm mốc tâm lý 21.300 đồng/USD, các ngân hàng đã tăng cường mua vào để quản lý trạng thái ngoại hối của họ.

Bên cạnh đó tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ rất cao, đặc biệt từ tháng 6-2014 đến nay xuất phát từ áp lực về cầu ngoại tệ trả nợ khi các hợp đồng vay ngoại tệ lần lượt đáo hạn. Điều này, dường như cộng hưởng thêm khi cơ chế tín dụng ngoại tệ mở rộng hiện nay chỉ còn được áp dụng hơn một tháng nữa, hầu hết các các nhu cầu vay theo Thông tư 29/2013 sẽ khép lại sau ngày 31-12-2014. Ngoài ra cũng không loại trừ việc giới “đầu tư” gom USD để nhập lậu vàng khi chênh lệch giá trong nước đang cao hơn so với giá thế giới.

Một khi cung, cầu ngoại tệ có dấu hiệu căng thẳng, giá mua vào áp sát giá bán ra và hướng trần biên độ, tất nhiên NHNN buộc phải  can thiệp bằng các biện pháp bình ổn như đã từng làm. Sau hơn một tuần biến động tăng, đặc biệt giá mua USD của các ngân hàng luôn có xu thế tăng, NHNN sẽ sử dụng “phần còn lại” trong năm nay (điều chỉnh cả năm không quá 2%) theo cam kết giữ vững ổn định tiền tệ từ nay đến cuối năm.

Văn Khoa